|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ khi thị trường dò tìm điểm cân bằng mới

07:56 | 19/07/2021
Chia sẻ
Quan sát diễn biến dòng tiền tuần 12 - 16/7, trong khi nhóm vốn hóa lớn đánh mất vị thế dẫn dắt trước áp lực điều chỉnh của thị trường thì dòng tiền đã lan tỏa sang dòng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giúp nhóm này có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

VN-Index đã có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp tuy nhiên diễn biến trong tuần 12 - 16/7 đã xuất hiện tín hiệu lạc quan hơn. Khởi đầu tuần mới, VN-Index rơi về gần vùng 1.270, chỉ số đã có tổng cộng 4/5 phiên dao động quanh vùng 1.270 - 1.290 để chính thức vượt ngưỡng này trong phiên ngày thứ Năm (15/7).

VN-Index tiếp tục tăng trong phiên thứ Sáu và chốt tuần tại 1.299 điểm. So với tuần trước, chỉ số sàn HOSE đã giảm 47,83 điểm, tương đương 3,5%. Mức giảm hơn 47 điểm trong tuần của VN-Index chịu ảnh hưởng chính bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số trong tuần, có tới 7/10 mã thuộc nhóm ngân hàng, kéo VN-Index giảm gần 27 điểm. Chiều tăng điểm được dẫn dắt bởi MSN và NVL với mức ảnh hưởng khiêm tốn hơn, lần lượt đóng góp 1,2 và 0,4 điểm cho đà tăng của VN-Index.

Dòng tiền chuyển hướng trên HOSE

Thống kê Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần 12 - 16/7 trên HOSE, không có mã nào thuộc nhóm largecaps. Điều này cho thấy trong khi nhóm vốn hóa lớn đánh mất vị thế dẫn dắt trước xu hướng điều chỉnh của thị trường thì cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại được dòng tiền "ưu ái" tìm đến.

Cụ thể, cổ phiếu SII của Hạ tầng nước Sài Gòn dẫn đầu với tỷ lệ tăng 28,8%. Mã này bất ngờ nổi sóng trên HOSE với 3/5 phiên tăng trần trong một tuần.

Mặc dù có sự cải thiện về giá trị, cổ phiếu SII chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư với thanh khoản duy trì ở mức thấp. Điều này có thể xuất phát từ cơ cấu cổ đông cô đặc của Hạ tầng nước Sài Gòn với ba cổ đông lớn nhất nắm tới 99,51% vốn.

Kế đến, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ như HCD, PHC, TEG, CMV, PLP cũng có tuần giao dịch khởi sắc với tỷ lệ tăng trên 10%.

Top10 mã tăng giá mạnh nhất HOSE tuần qua còn chứng kiến việc một số cổ phiếu vốn hóa trung bình nổi sóng. Cụ thể, mã PSH của đại gia xăng dầu miền Tây tăng 12,3% lên 25.650 đồng/cp.

Hay như cổ phiếu HDG phá đỉnh và kết tuần tại 50.400 đồng/cp, bất chấp những nhịp rung lắc của thị trường. Đây cũng là một trong 10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index tuần qua. Hai đại diện còn lại thuộc dòng midcap là TN1 và VSC, ghi nhận tỷ lệ tăng giá lần lượt là 8,7% và 8,6%.

Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ khi thị trường dò tìm điểm cân bằng mới - Ảnh 1.

Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HOSE tuần 12 - 16/7. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, cổ phiếu BCM của Becamex đứng đầu về tỷ lệ giảm giá trên HOSE với 2/5 phiên giảm sàn. Kết phiên giao dịch thứ Sáu, thị giá BCM giảm19,4% giá trị, về mốc 43.100 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 10.700 tỷ đồng so với tuần trước đó.

Theo sau BCM, cổ phiếu MHC của CTCP MHC mất giá 16,8% với 2/5 phiên giảm sàn. Sau khi tạo đỉnh tại 16.300 đồng trong phiên 4/6, thị giá mã này liên tục lao dốc và đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trước diễn biến ảm đạm trùm lên cổ phiếu ngân hàng tuần qua, VIB là mã giảm sâu nhất với tỷ lệ mất giá 14,4%, ghi nhận 4 phiên giảm (trong đó một phiên giảm sàn) và một phiên tăng. Bên cạnh xu hướng chung của ngành, cổ phiếu này còn chịu áp lực chốt lời lớn từ nhà đầu tư sau giai đoạn tăng nóng.

Trong tuần qua, một số cố phiếu cũng quay đầu giảm sau thời gian tăng nóng như FIT,  SHI, PGD, CIG, MIG.

Thanh khoản THS bất ngờ 'mất hút'

Ngoại trừ HDA và HAP, những mã tăng giá trên HNX không có nhiều nổi bật khi đây đều là những cổ phiếu có thanh khoản èo uột, chỉ khoảng vài trăm đến vài nghìn đơn vị giao dịch mỗi phiên.

Dẫn đầu nhóm tăng giá là cổ phiếu CET của HTC Holding với tỷ lệ tăng giá là 23,1%. Kế đến, mã THS của Thanh Hoa - Sông Đà cũng chứng khiến mức tăng 21% trong một tuần.

Giai đoạn trước đó, THS từng là một trong những cổ phiếu nóng trên HNX khi liên tục lọt Top tăng mạnh nhất sàn với chuỗi tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, sau nhịp chỉnh sâu, thanh khoản cổ phiếu bỗng dưng 'mất hút', thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.

Nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HNX còn có các mã như MED, VC2, SDN, DPC, VE3, BED.

Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ khi thị trường dò tìm điểm cân bằng mới - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HNX tuần 12 - 16/7. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại chiều giảm giá, cổ phiếu VGP của Cảng Rau quả dẫn đầu khi mất 93,3% giá trị trong tuần qua. Theo sau, hai mã VHE và QHD giảm lần lượt 26% và 22,1%.

Những trường hợp giảm giá dưới 20% tuần qua còn có các cổ phiếu như GDW, PGT, L62, BST, SSM, DL1, LAF.

Tân binh DFF cùng loạt mã penny tạo sóng trên UPCoM

Thống kê trên thị trường UPCoM, cổ phiếu NTF của Dược - Vật tư Y tế Nghệ An dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá. Đóng cửa phiên 16/7, mã NTF dừng tại 40.700 đồng/cp, tăng 59,6% so với cuối tuần trước. Tương tự, cổ phiếu SJG của Tổng Công ty Sông Đà cũng trải qua một tuần giao dịch khởi sắc với tỷ lệ tăng giá đạt 51,1%.

Mặc dù đứng cuối Top tăng giá, tân binh DFF của Tập đoàn Đua Fat ghi dấu ấn với mức tăng trên 25%. Theo ghi nhận, mã này có 3 phiên tăng trần liên tiếp kể từ phiên chào sàn 8/7 vừa qua.

Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên UPCoM còn có các mã như HNT, UDL, TVW, BLN, SVG, TGP, HLS. Đây đều là những cổ phiếu penny và có thanh khoản thấp.

Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ khi thị trường dò tìm điểm cân bằng mới - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên UPCoM tuần 12 - 16/7. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ngược lại, cổ phiếu BBH của Bao bì Hoàng Thạch dẫn đầu ở chiều giảm giá khi mất 50,6% giá trị. Cổ phiếu LMC của Khoáng sản Latca cũng quay đầu giảm 38,1% trong quần qua, kết phiên cuối tuần tại 10.400 đồng/cp. Đáng chú ý, thanh khoản mã này trong phiên 15/7 tăng đột biến lên 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh, nâng khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất lên hơn 135.000 cổ phiếu.

Nhóm 10 mã giảm mạnh nhất trên thị trường UPCoM còn có các cổ phiếu khác như VXT, GER, PCM, C22, SSG, BHP, NBR và POB.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thảo

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.