|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu vận tải, cảng biển dậy sóng tuần VN-Index tăng hơn 31 điểm

07:00 | 09/08/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam (tuần 2 - 6/8) tiếp đà hồi phục với sự dẫn dắt của nhóm bất động sản. Tuy nhiên, tâm điểm về sự tăng giá trên thị trường lại thuộc về các cổ phiếu nhóm vận tải, cảng biển.

Tâm lý giao dịch lạc quan của nhà đầu tư được thể hiện ở chuỗi tăng điểm liên tiếp trong 4 ngày đầu tuần. Trong phiên thứ Sáu (6/8), chỉ số đã có lúc chạm ngưỡng 1.350 điểm với diễn biến tăng trên diện rộng, tuy nhiên áp lực bán bất ngờ tăng mạnh cuối phiên kéo chỉ số rời xa ngưỡng kháng cự quan trọng này.

Chốt tuần tại 1.341,45 điểm, VN-Index ghi nhận mức tăng 31,4 điểm (2,4%) so với cuối tuần trước. So với vùng đáy 1.240 điểm thiết lập trong phiên 19 - 20/7, chỉ số đã có nhịp tăng gần 100 điểm.

Thống kê cho thấy trong tuần vừa qua nhóm ngân hàng đã không còn đóng góp nhiều cho chỉ số sàn HOSE khi chỉ có 3/10 đại diện xếp vị trí thứ 3, 9 và 10. VIC và VHM đã vươn lên dẫn dắt chỉ số với hai vị trí cao nhất, đóng góp tới 10,6 điểm. Trong 10 mã ảnh bưởng tiêu cực nhất lên VN-Index cũng xuất hiện ba cổ phiếu ngân hàng là ACB, CTG và VPB.

Sóng cổ phiếu phân bón, cảng biển - logistics trên HOSE

Cổ phiếu vận tải, cảng biển tạo sóng trong tuần VN-Index tăng hơn 31 điểm  - Ảnh 1.

Cổ phiếu cảng biển - logistics thu hút sự chú ý của dòng tiền trên HOSE. (Đồ họa: Alex Chu).

Ghi nhận tuần qua (2 - 6/8) trên sàn HOSE, cổ phiếu TCD của Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá trong tuần qua với 5 phiên tăng giá, trong đó có tới 3 phiên tăng trần. Đóng cửa tuần, giá cổ phiếu TCD ở 17.700 đồng/cp, tăng 33,1% so với cuối tuần trước.

Xếp thứ hai là mã HAI của Nông dược H.A.I với mức tăng giá 29,7% trong một tuần. Cùng với HAI, hai cổ phiếu ngành phân bón là BFC và TSC cũng nằm trong Top tăng mạnh nhất tuần với tỷ lệ tăng lần lượt là 26,1% và 17,2%.

Tuần qua cũng chứng kiến đà bứt phá mãnh mẽ của loạt cổ phiếu cảng biển, logistics như VOS, STG, VNL, MHC và HAH với mức tăng giá từ 17 - 28%.

Theo báo cáo triển vọng nửa cuối năm của Chứng khoán Agribank (Agriseco), khả năng nguồn cung về tàu chứa sẽ tiếp tục thấp trong những tháng tới đây. Cùng với đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa được kỳ vọng sẽ tăng lên trong hai quý cuối năm do đây là thời điểm có nhiều ngày lễ lớn như Giáng Sinh, năm mới.

Top10 tăng/giảm tuần 2 - 6/8: - Ảnh 1.

Nguồn: Agriseco.

Với tình hình như hiện tại, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng nguồn cung sẽ không đáp ứng được nhu cầu trong các tháng cuối năm, do vậy dự báo giá cước vận tải thủy quốc tế sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới.

Do vậy, theo các nhà phân tích Agriseco, các doanh nghiệp vận tải thủy có thể được hưởng lợi nhờ việc nâng giá trị đội tàu, thanh lý các con tàu có tuổi đời lớn với mức giá cao, đồng thời tận dụng xu hướng chung để nâng giá cước tại thị trường nội địa. 

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp kho bãi có thể đón nhận những tín hiệu khởi sắc do tốc độ dịch chuyển thương mại chậm lại sẽ làm gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa.

Top10 tăng/giảm tuần 2 - 6/8: - Ảnh 2.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ FiinPro).

Chiều ngược lại, cổ phiếu L10 của Lilama 10 dẫn đầu top giảm giá mạnh nhất trên HOSE khi mất 15,6% giá trị tuần qua.

Theo sau là cổ phiếu TMS của Transimex với tỷ lệ giảm 13,2%. Thị giá cổ phiếu chứng khiến chuỗi điều chỉnh mạnh sau thông tin HĐQT công ty thông qua phương án chào bán riêng lẻ hơn 12,2 triệu cổ phiếu với giá phát hành dự kiến 40.000 đồng/cp.

Đáng chú ý, cổ phiếu PSH nối tiếp chuỗi điều chỉnh với 4/5 phiên giảm trong tuần qua. Mã này đã đánh mất toàn bỗ nỗ lực tăng điểm giai đoạn trước đó và hiện đang giao dịch tại vùng giá thấp nhất tính từ đầu năm 2021.

Danh sách các mã giảm giá trên HOSE còn có PGI (10,4%), HU1 (7,9%), CVT (6,5%), VCF (5,9%), NHH (5,8%), PTC (5%) và RDP (4,3%).

VE2 đứng đầu về tỷ lệ tăng giá trên HNX

Sàn HNX ghi nhận trường hợp cổ phiếu VE2 của Xây dựng điện VNECO 2 tăng giá mạnh nhất. Với 4 phiên tăng giá, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần, giá cổ phiếu này tăng 36,4% chỉ trong một tuần. Tuy nhiên, thanh khoản èo uột chỉ với vài trăm đơn vị giao dịch mỗi phiên khiến mã này không thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Các mã còn lại nằm trong Top tăng giá sàn này bao gồm PGT, PCG, VIG, KST, PEN, GDW, NSH, VC3, BTS với tỷ lệ tăng từ 16 - 32%.

Top10 tăng/giảm tuần 2 - 6/8: - Ảnh 3.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ FiinPro).

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HNX đều ghi nhận mức giảm dưới 20%. Trong đó, cổ phiếu SIC của Công ty Cổ phần ANI đứng đầu về tỷ lệ giảm với 19,4%, xuống còn 15.000 đồng/cp.

Top10 mã giảm mạnh nhất trên HNX không có nhiều mã nổi bật khi hầu hết cổ phiếu đều có thanh khoản rất thấp như VDL, SAF, BTW, VIE, BDB.

Loạt cổ phiếu vận tải khởi sắc trên UPCoM, MVN gần gấp đôi sau một tuần

Top10 tăng/giảm tuần 2 - 6/8: - Ảnh 4.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ FiinPro).

Thống kê trên thị trường UPCoM, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam bật tăng gần 94% sau chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp trong tuần vừa qua. Chốt phiên thứ Sáu, thị giá MVN dừng tại 34.700 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào ngày 8/10/2018.

Mặc dù tăng giá mạnh nhưng thanh khoản mã này vẫn rất hạn chế. Trong phiên sôi động nhất ngày 5/8, cũng chỉ có 69.500 cổ phiếu được giao dịch trên thi trường.

Nhiều cổ phiếu vận tải khác cũng có tuần giao dịch khởi sắc như VLG, BLN, VNA, với mức tăng giá trên 40%.

Ở chiều ngược lại, Top10 mã giảm mạnh nhất trên thị trường UPCoM đều là những cổ phiếu giao dịch với thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch, ghi nhận tỷ lệ mất giá từ 20 - 40%.

Thu Thảo

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.