Nhiều chợ phiên nông sản trở lại
Sáng 5-6, chợ phiên Nông sản an toàn quận Tân Phú (TP HCM) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP phối hợp với các bên liên quan tổ chức đã khai mạc tại công viên trước trụ sở UBND quận Tân Phú.
Đây là nơi quy tụ các sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, organic (hữu cơ), chuỗi thực phẩm an toàn TP HCM sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) phần lớn do doanh nghiệp (DN) và các HTX trực tiếp đứng bán.
Theo ông Trần Phương Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT TP), đây là chợ phiên nông sản an toàn đầu tiên hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng vì dịch COVID-19.
Các địa điểm khác cũng lần lượt hoạt động trở lại vào thứ bảy và chủ nhật tuần này và đều mở vào các buổi sáng (từ 6 giờ đến 12 giờ) hằng tuần. Tính từ chợ phiên đầu tiên mở vào cuối năm 2016, đến nay mô hình đã nhân rộng ra 15 điểm và hiện còn 6 điểm đang hoạt động tại quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, quận 6, quận 10 và huyện Bình Chánh.
Mỗi điểm chợ phiên có từ 30-35 gian hàng của 25-30 đơn vị tham gia với doanh số tại chỗ và qua hợp đồng từ 180-220 triệu đồng/phiên.
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại chợ phiên Nông sản an toàn quận Tân Phú Ảnh: NGỌC ÁNH
Điểm nổi bật của chợ phiên là công tác kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ, ngoài yêu cầu cung cấp các giấy chứng nhận phải kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất. Ngay tại chợ phiên còn có bàn kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM để kịp thời phát hiện sản phẩm không an toàn, nếu có.
Cùng ngày ở Hà Nội, lần đầu tiên Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và PTNN (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức "Phiên chợ nông sản cuối tuần" tại siêu thị Big C Thăng Long.
Phiên chợ này được xây dựng dựa trên mô hình phiên chợ JingJai nổi tiếng ở Thái Lan, với 32 gian hàng giới thiệu nhiều đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu biểu của các DN và các HTX tại phiên chợ, như: nông sản theo chương trình Sinh kế cộng đồng của Central Retail Việt Nam, sản phẩm đặc trưng tỉnh Lào Cai; trà và sản phẩm OCOP Thái Nguyên, đặc sản cá mòi Làng Chài ở Hải Phòng; vải thiều Thanh Hà; xoài Sơn La; đông trùng hạ thảo, tỏi đen, hà thủ ô, trà hữu cơ, vú sữa lò rèn Tiền Giang; gạo hữu cơ, trứng gà mía thảo dược, mật ong hoa rừng…
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cho biết chuỗi 4 phiên chợ sẽ được lần lượt tổ chức tại Bic C Thăng Long (Hà Nội), Big C Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Big C An Lạc (TP HCM) và Big C Cần Thơ (TP Cần Thơ).
Mục đích của các phiên chợ được tổ chức để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản, từ đó hỗ trợ việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Trước đó, tại hội thảo "Thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do Sở Công Thương TP HCM và Trường Đại học Kinh tế TP tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho rằng những khó khăn từ điều kiện khách quan cộng với rào cản tâm lý khiến nông dân các tỉnh chưa hoàn toàn quan tâm đến sản xuất an toàn, vẫn lệ thuộc vào phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống.
"Nhà nước qua những cơ chế khác nhau đã cố gắng vận động nông dân sản xuất theo phương pháp an toàn thực phẩm nhưng bất cập là làm nông nghiệp an toàn đòi hỏi đầu tư nhiều, giá thành cao khó cạnh tranh trong khi hàng không đạt chuẩn vẫn tiêu thụ tốt" - ông Hòa nêu thực tế và đề nghị cần chuyển đổi cách tiếp cận vấn đề an toàn thực phẩm theo hướng tác động từ đầu nhu cầu tiêu thụ chứ không tiếp tục tập trung vào đầu cung ứng như lâu nay đang làm.