|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán 31/5: Áp lực điều chỉnh ngắn hạn, NĐT xem xét tỉ trọng danh mục tối đa 40-50% cổ phiếu?

18:46 | 30/05/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán 31/5 được dự báo vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường.

Giao dịch trên thị trường tiếp tục nhàm chán với sự biến động hẹp trong phiên 30/5, chủ yếu quanh ngưỡng tham chiếu và thanh khoản vẫn ở mức thấp. Dòng tiền lớn không vào thị trường dẫn đến việc các nhóm ngành cổ phiếu tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Đây tiếp tục là những đặc trưng của thị trường vào mùa hè không chỉ tại Việt Nam mà hiệu ứng này cũng tương đối phổ biến trên toàn thế giới. 

Về góc độ kỹ thuật, VN-Index kết phiên ngay trên ngưỡng 969,5 điểm (MA20); cùng với việc MACD đang ở ngay sát đường tín hiệu, tuy nhiên vẫn chưa cho tín hiệu giao cắt xuống.

Những tín hiệu kỹ thuật này cho thấy phiên cuối tuần sẽ là một phiên hết sức quan trọng do thị trường sẽ phải chọn một hướng đi rõ ràng: hồi phục tốt để tiếp tục xu hướng tăng hoặc sẽ giảm tiếp đã xác nhận trở lại xu hướng giảm ngắn hạn với hỗ trợ gần nhất quanh ngưỡng 960 điểm (MA200). 

Nhận định thị trường chứng khoán 31/5: Áp lực điều chỉnh ngắn hạn, NĐT xem xét tỉ trọng danh mục tối đa 40-50% cổ phiếu? - Ảnh 1.

Nguồn: SHS

Hồi phục trở lại 

Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội - SHS

Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể hồi phục trở lại do đã lui về sát ngưỡng 969,5 điểm (MA20) và chỉ báo MACD cũng đang ở mức nhạy cảm do đã rất sát với đường tín hiệu. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường.

Có thể xuất hiện nhịp giảm điểm về vùng hỗ trợ 960-965 điểm

Chứng khoán Bảo Việt - BVSC

Thị trường dự báo sẽ tiếp tục có biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý đến khả năng thị trường có thể xuất hiện nhịp giảm điểm về vùng hỗ trợ 960-965 điểm trong những phiên tới trước khi cho phản ứng hồi phục trở lại. 

Với cái nhìn xa hơn, sau giai đoạn giảm điểm tuần trước, VN-Index nhiều khả năng sẽ hình thành nhịp dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 960-965 điểm và cận trên 988-993 điểm trong ngắn hạn, trước khi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về hướng đi kế tiếp. Diễn biến thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. 

Dòng tiền dự kiến sẽ vẫn tập trung luân chuyển ở một số nhóm ngành như dệt may, bất động sản khu công nghiệp, cao su, công nghệ thông tin, điện… Trong giai đoạn thị trường đi ngang như hiện tại, nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và xem xét nắm giữ tỷ trọng danh mục ở mức tối đa 40-50% cổ phiếu. Các hoạt động mua trading chỉ nên thực hiện ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu và áp dụng cho các nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt cao.

Áp lực điều chỉnh ngắn hạn

Chứng khoán Phú Hưng - PHS

Nhìn chung, phiên giảm điểm ngày 30/5 cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn lên thị trường đang gia tăng. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn và tiếp tục quan sát thận trọng nhằm tránh những rủi ro bất ngờ tại thời điểm hiện tại.

Việt Nam lọt danh sách giám sát của Bộ tài chính Mỹ

Ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Tại báo cáo kỳ này, Mỹ đã đưa danh sách các quốc gia cần giám sát (Danh sách giám sát) gồm 9 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam. 

Tại các kỳ báo cáo trước đây, Mỹ xem xét 12 đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên kỳ báo cáo tháng 5/2019 đã tăng số lượng đối tác thương mại được xem xét lên 21 quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đạt trên 40 tỷ USD, trong đó bao gồm Việt Nam.

Với việc Việt Nam vào danh sách giám sát, trong thời gian tới, Mỹ sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết, NHNN cho biết. 

Về thông tin này, NHNN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhật Huyền

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.