VN-Index đã sẵn sàng bứt phá 1.300 điểm?
VN-Index rộng cửa vượt 1.300 điểm
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), định giá hiện tại của VN-Index giảm xuống mức P/E 13,x lần sau khi có kết quả kinh doanh quý IV/2024. Trong đó, P/E của nhóm VN30 là 12,x lần.
Định giá của các nhóm ngành trụ cột (ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán…) vẫn đang ở vùng thấp so với năm 2024, trong khi lợi nhuận vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là ngành ngân hàng.
Bộ phận phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh quý đầu năm nay tăng tốt so với cùng kỳ, đóng góp bởi kết quả kinh doanh tích cực của ngành ngân hàng (dự báo tăng 15% so với cùng kỳ).
Các nhóm ngành bất động sản công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng, cảng biển, và vận tải biển cũng có triển vọng lợi nhuận tích cực trong 2025.

(Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 2 của ACBS).
Quan điểm kỹ thuật cho rằng vùng dao động dự phóng của VN-Index trong 1 tháng tới (kể từ 18/2) là 1.220 - 1.300 điểm. Tuy nhiên, ACBS kỳ vọng rằng, triển vọng 2025 tích cực và tiềm năng nâng hạng trong năm nay sẽ là các chất xúc tác hỗ trợ chỉ số chinh phục thành công ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới, và có thể tiến xa hơn về ngưỡng 1.420 - 1.450 điểm trong năm 2025.
Về chiến lược, ACBS nhận định thị trường có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng sẽ là cơ hội tích lũy các cổ phiếu chiến lược. Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh 2025 tích cực và định giá hấp dẫn.
Một số ý tưởng đầu tư kể đến: bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, vận tải biển (hưởng lợi nhờ thương chiến); xây dựng hạ tầng và dân dụng (hưởng lợi từ đầu tư công); cổ phiếu trong danh sách nâng hạng thị trường (ngân hàng, bluechip); ngành điện (thuận chu kỳ thủy văn La Nina và tháo gỡ pháp lý cho mảng năng lượng tái tạo).
Về yếu tố kinh tế vĩ mô, Thương chiến 2.0 đang là tâm điểm của thị trường. Ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc. Tuy vậy, mức thuế 25% dành cho Mexico và Canada đã được hoãn lại một tháng sau khi hai nước này đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Trong khi đó, mức thuế 10% tăng thêm với hàng hóa từ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2. Điều này đã dẫn đến việc Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với hàng loạt sản phẩm nông sản, công nghệ và ô tô nhập khẩu từ Mỹ, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau đó, Mỹ tiếp tục leo thang thương chiến khi công bố áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước. Dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục công bố các loại thuế nhắm đến các nước có thặng dư thương mại lớn với nước này trong thời gian tới.
Theo ACBS đánh giá, Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do thương chiến nhưng kỳ vọng ảnh hưởng không quá nghiêm trọng nhờ vào chính sách đối ngoại hiện hữu của Chính phủ cũng như đặc thù vịtrí địa lý của Việt Nam.
Do đó Việt Nam vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng tốt trong năm 2025. Dù vậy, thương chiến vẫn là một rủi ro cần quan sát kỹ trong năm 2025. Trong trường hợp thương chiến diễn biến tiêu cực hơn kỳ vọng, điều này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như thịtrường chứng khoán.
Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu. Tỷ giá đang tăng trở lại sau Tết do chênh lệch lãi suất USD-VND chuyển qua dương vì yếu tố thời vụ và rủi ro thương chiến.
Trong thời gian tới, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu và tỷ giá có thể tiếp tục căng thẳng vào cuối quý I – vốn là thời điểm nhiều doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc chốt năm tài chính - trước khi ổn định và hạ nhiệt vào cuối năm 2025 sau khi Fed thực hiện 1 - 2 lần cắt giảm lãi suất hoặc thương chiến hạ nhiệt.

(Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 2 của ACBS).
Kết thúc năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,09% vượt mức kế hoạch của Chính phủ là 6,5%. Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2025 tăng trên 8%.
Số liệu vĩ mô tháng 1 nhìn chung vẫn tích cực tuy có bị ảnh hưởng do yếu tố Tết Nguyên đán khi IIP vẫn duy trì được mức tăng 0,6% so với cùng kỳ dù kỳ nghỉ làm giảm số ngày làm việc so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, đầu tư công được đẩy nhanh giải ngân ngay trong tháng đầu năm, tăng 9,6% so với cùng kỳ, thể hiện rõ ý định thúc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Áp lực điều chỉnh xuất hiện sau khi chỉ số vượt 1.300 điểm?
Tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 17/2, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã nêu nhận định thị trường và dự báo diễn biến VN-Index thời gian tới.
Theo ông Sơn, năm 2025, thị trường hiện hữu nhiều điểm sáng tích cực. Thứ nhất, về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng 8%. Ở những năm GDP tăng trưởng cao thì sẽ có các chính sách đồng hành như đẩy mạnh đầu tư công, tăng trưởng tín dụng. Đây là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền, thanh khoản cũng như các ngành nghề phục hồi.
Theo dự báo trước đây của VPBankS, ngoài câu chuyện tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thị trường còn đón một số yếu tố tích cực như câu truyện nâng hạng. Dự kiến vào tháng 3, FTSE Russell sẽ đưa ra báo cáo cập nhật về Việt Nam. Bản thân ông Sơn kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS). (Nguồn: VPBankS).
Với kỳ vọng 2025 là một năm kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, những lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt bất động sản sẽ có cơ hội tăng giá, phục hồi rất tốt. Nếu tín dụng tăng từ 16 – 18%, nhóm ngân hàng sẽ có dư địa rất tốt để tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận.
Thứ hai, nhóm ngành đầu tư công sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công ngay từ đầu năm. Nhiều cổ phiếu đầu tư công trên sàn niêm yết cũng đã phản ánh tích cực trước tin tức này.
Đối với nhóm bất động, hiện nhiều cổ phiếu đang ở vùng đáy trong hai năm. Nếu tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh, khó khăn được tháo gỡ, cổ phiếu nhóm này sẽ sớm có đà phục hồi trong năm 2025.
Về VN-Index, trong giai đoạn đầu năm, chỉ số có thể tiếp tục đà tăng và có những nhịp bật lên 1.300 điểm, chẳng hạn 1.310 điểm và cao hơn. Tuy nhiên sau đó, ông dự báo rất có thể VN-Index sẽ điều chỉnh trở lại bởi đến nay, dù có rất nhiều thông tin tích cực, nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt nhưng thanh khoản vẫn chưa thể đảm bảo giữ vững nhịp tăng mạnh.
Còn về yếu tố thông tin, nhà đầu tư cần chờ thêm những tin tức về tăng trưởng tín dụng hay kịch bản về nâng hạng. Do đó, nhà phân tích VPBankS cho rằng giai đoạn tích cực nhất có thể là sau quý II, từ tháng 7 đến tháng 9, yếu tố nâng hạng sẽ kích hoạt và giúp chỉ số vượt qua ngưỡng 1.300 điểm một cách mạnh mẽ hơn.