Nhận diện thách thức của ngành cà phê Việt Nam
Chế biến cà phê nhân xuất khẩu tại Công ty cà phê An Giang, thành phố Buôn Ma Thuột Đắk Lắk). Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN |
Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê ngày càng tăng trong những năm gần đây đã đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội của cả vùng Tây Nguyên.
Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Mê Thuột - thủ phủ của vùng cà phê Tây Nguyên, kết hợp với công tác quảng bá thường xuyên, nhất là Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột được tổ chức hai năm một lần đã nâng tầm giá trị thương hiệu của cà phê.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức mà trước hết là sự già cỗi của hàng trăm nghìn ha cà phê mỗi năm. Diện tích này cần phải thay thế bằng trồng mới hoặc chặt bỏ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích cà phê già cỗi cần tái canh và chuyển đổi trong 5 – 10 năm tới khoảng 140.000 – 160.000 ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng). Trong đó diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86.000ha, chưa kể khoảng 40.000ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp. Nếu không kịp thời tái canh thì trong một vài năm tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và chất lượng của cà phê Việt Nam.
Mặc dù chương trình tái canh cà phê đã được triển khai từ nhiều năm nay, với sự vào cuộc tích cực của ngành ngân hàng với vai trò cung cấp nguồn tín dụng và các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu ngành nông nghiệp trong việc tìm ra mô hình và phương pháp tái canh phù hợp với từng vùng miền, tuy nhiên, tốc độ tái canh cây cà phê trong thời gian qua diễn ra rất chậm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển cà phê không tốt nên dẫn đến phá vỡ quy hoạch liên tục.
Đã có thời kỳ cây cà phê phát triển với tốc độ chóng mặt và hiện diện tích cà phê ở nhiều tỉnh Tây Nguyên đã vượt quá quy hoạch. Trong khi cà phê là cây trồng cần nhiều nước tưới, phương pháp tưới truyền thống hiện vẫn là phương pháp chính được sử dụng trong các vườn cà phê, đặc biệt là cà phê nông hộ đã gây sụt giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng.
Ở nhiều địa phương, việc khoan quá nhiều giếng khoan phục vụ cây cà phê đã làm thủng tầng nước ngầm, ô nhiễm đất và nguồn nước gây lãng phí, không hiệu quả. Đặc biệt, trong những năm qua, biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.
Tại Tây Nguyên, ngành nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, như đợt hạn khốc liệt gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê niên vụ 2015/2016 và các niên vụ tới. Những khó khăn trong việc canh tác cà phê phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chủ quan thì khâu thu hoạch và chế biến cà phê mặc dù phần lớn xuất phát từ các yếu tố chủ quan, song để giải quyết cũng không phải là vấn đề đơn giản.
Thực tế, việc thu hoạch cà phê theo phương thức tuốt cành với khoảng 50% quả xanh ở các tỉnh Tây Nguyên là phương thức tồn tại như một tập quán của đồng bào nơi đây. Đây cũng được nhận diện là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng cà phê Việt Nam.
Để thay đổi tập quán này, các nhà khoa học, cơ quan khuyến nông và các địa phương đã có rất nỗ lực. Các công ty thu mua, chế biến cà phê cũng tích cực vào cuộc với nhiều quy định tiêu chuẩn về chất lượng cà phê thu mua, song đến nay vẫn còn không ít vùng đồng bào vẫn duy trì tập quán thu hoạch này. Bên cạnh đó, nhiều nơi không có sân phơi bê tông, xi măng, gạch; không có chế biến ướt, cà phê quả thu hoạch về phơi trên mọi loại sân như đất, đường sá, vải bạt… làm giảm chất lượng của hạt cà phê.
Tiêu chuẩn được khuyến cáo cứ 100ha cà phê phải có 1 ha sân phơi đảm bảo tiêu chuẩn vẫn còn là mục tiêu “xa vời”, kể cả ở những địa phương có tiềm năng và nguồn lực đầu tư khá lớn cho cây cà phê như Đắk Lắk, Lâm Đồng. Cũng như canh tác và thu hoạch, khâu chế biến cà phê cũng tồn tại nhiều hạn chế.
Việc chế biến cà phê nhân xuất khẩu thực hiện tốt nhưng chế biến sâu, tạo ra cà phê bột, cà phê hòa tan, các thực phẩm từ cà phê như bánh, kẹo, rượu, nước giải khát còn bỏ ngỏ. Điều này đã làm cho giá trị và kim ngạch xuất khẩu cà phê không cao, chỉ mức 3,2-3,4 tỷ USD/năm trong khi tiềm năng nâng cao giá trị xuất khẩu còn cho ngành hàng cà phê còn rất lớn .
Những năm gần đây, công nghệ chế biến ướt đã được một số doanh nghiệp tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai áp dụng, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cà phê hạt Việt Nam. Tuy nhiên, khâu chế biến sâu vẫn chưa được các doanh nghiệp trong nước chú trọng, khiến sản lượng và thị phần cà phê chế biến sâu và các thực phẩm từ cà phê phần lớn thuộc các doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, mặc dù sản lượng xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng cà phê Việt Nam vẫn trong tình trạng “áo gấm đi đêm” khi chủ yếu là xuất khẩu dạng thô, chưa có thương hiệu. Những năm gần đây, vấn đề xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Việt Nam và quản lý phát triển chỉ dẫn này đã được nhiều Bộ, ngành và địa phương vào cuộc.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, song song với việc thực hiện dự án xây dựng cà phê Việt Nam là sản phẩm quốc gia, cần khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới, đồng thời kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành cà phê Việt Nam có ràng buộc mang thương hiệu của Việt Nam hoặc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khuyến cáo mở rộng thị trường nội địa, song song với phát triển tiêu thụ trong nước là kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam…