|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhân dân tệ có thể rơi xuống mức 7,5

11:51 | 09/08/2019
Chia sẻ
Tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) so với USD tiếp tục được điều chỉnh giảm, thậm chí lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 7 trong một thập kỷ khi mà NHTW Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu ngày 8/8 ở mức 7,0039 NDT/USD.

Mặc dù vậy, nó vẫn cao hơn so với ước tính của các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg là 7,0156 NDT/USD. Tỷ giá giao ngay của đồng NDT cũng tăng 0,3% lên 7,0409 NDT/USD.

Nhân dân tệ có thể rơi xuống mức 7,5 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việc ấn định tỷ giá tham chiếu cao hơn so với thực tế “dường như củng cố thông điệp của PBoC rằng họ mong muốn (đồng NDT) ổn định hơn là biến động”, Fiona Lim - một nhà phân tích ngoại hối cao cấp tại Malayan Banking Berhad nói.

Tỷ giá tham chiếu của đồng NDT đang được theo dõi chặt chẽ sau khi nó bất ngờ giảm mạnh vào đầu tuần (ngày 5/8), mở cửa cho đồng NDT sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2015 và khiến chính quyền Mỹ tức giận, ngay lập tức gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, từ đó gây ra nỗi lo về khả năng CTTM có thể chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ.

Mặc dù NHTW Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này của phía Mỹ và đã có nhiều động thái để hạn chế sự sụt giảm của đồng nội tệ như trấn an các công ty nước ngoài rằng đồng NDT sẽ không giảm mạnh, nhưng giới thương nhân vẫn mạnh tay bán ra đồng tiền này do lo ngại CTTM Mỹ - Trung leo thang.

Theo dự báo của Bank of America Merrill Lynch (BofAML), đồng NDT có thể rơi xuống dưới ngưỡng 7,5 NDT/USD nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng hóa chưa phải chịu thuế còn lại của Trung Quốc mà trước đó ông đã đe là sẽ áp thuế 10% từ 1/9 tới. 

Còn trong trường hợp chính quyền Mỹ chỉ áp thuế 10% lên lượng hàng hóa còn lại này, BofAML dự đoán đồng tiền của Trung Quốc có thể chạm mốc 7,3 NDT/USD vào cuối năm 2019, yếu hơn so với dự báo trước đó là 6,63 NDT/USD.

“Nếu mức thuế suất đó tăng lên 25%, thì bạn sẽ nhìn thấy NDT rơi xuống dưới mức 7,5”, nhưng chỉ với giả định điều kiện kinh tế và tài chính hiện tại không thay đổi, Rohit Garg - một chiến lược gia về tiền tệ và tỷ giá tại BofAML cho biết ngày 7/8.

Tuy nhiên, Mỹ không phải “một mình một bóng” trong trò chơi này mà Trung Quốc có thể dễ dàng phá hoại ham muốn làm suy yếu đồng USD của ông Trump. 

Trường hợp ông Trump tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc lên 25%, mức thuế suất cao như vậy có thể buộc Fed phải đẩy nhanh hơn tiến độ cắt giảm lãi suất của mình, Garg nói với CNBC. Vì vậy, đồng USD khó có thể tăng giá mạnh.

Hiện Washington đã áp thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và gán mác thao túng tiền tệ đối với nước này. Về phần mình, Bắc Kinh áp đặt mức thuế cao đối với hàng tỷ USD hàng hóa của Hoa Kỳ và cho biết họ sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc giữ đồng NDT ở mức thấp giả tạo để đạt được lợi thế trong thương mại - một vấn đề mà ông Trump đã nhiều lần chỉ trích kể từ khi ông trở thành Tổng thống. 

Gần đây nhất là vào tháng trước, ông Trump đã đề nghị Mỹ nên chơi cùng trò chơi “thao túng tiền tệ lớn do Trung Quốc và châu Âu thực hiện”.

Thế nhưng, với việc áp thuế quan lên hàng hóa của Trung Quốc, ông Trump lại khiến đồng đôla Mỹ tăng mạnh hơn so với NDT và các loại tiền tệ khác, Taimur Baig - Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS của Singapore cho biết. Chỉ số đôla Mỹ - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng khoảng 1,4% trong năm nay.

“Đó quả là điều trớ trêu. Trong khi ông Trump nỗ lực để mang lại cho Mỹ lợi thế cạnh tranh, tâm lý lo ngại rủi ro càng mạnh và dòng tiền càng chảy mạnh hơn vào các tài sản an toàn của Mỹ như trái phiếu Kho bạc và đồng USD, đẩy các tài sản này tăng giá mạnh”, ông nói với CNBC hôm thứ Tư.

Mặc dù Fed đã hạ lãi suất, thậm chí ngay cả khi Washington can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm kiềm chế sức mạnh của đồng bạc xanh, nhưng theo Baig, hiệu quả của cả hai giải pháp này đối với đồng USD là yếu hơn rất nhiều so với việc kết thúc cuộc chiến thương mại.

Đỗ Phạm