|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khả năng Trung Quốc tiếp tục để đồng nhân dân tệ yếu đi

16:00 | 07/08/2019
Chia sẻ
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ không mang nhiều ý nghĩa bởi thực tế, kể từ khi làm Tổng thống, ông Trump đã luôn cáo buộc Trung Quốc sử dụng “vũ khí tiền tệ” để trục lợi ngoại thương.

Rạng sáng ngày 6/8 (theo giờ Việt Nam), Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo cho biết nước này đã chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Theo thông báo này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tham vấn với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để "loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được" từ hành động phá giá đồng nhân dân tệ mới đây.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) để giá trị đồng nhân dân tệ giảm quá ngưỡng 7 đổi 1 USD và xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, khiến các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Trước đó, ngày 5/8, viết trên trang twitter cá nhân của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi đồng nhân dân tệ trượt xuống mức thấp nhất trong gần 11 năm qua.

Trước tình trạng leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi đã có trao đổi với Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu về động thái mới nhất của Mỹ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ không mang nhiều ý nghĩa - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng (Ảnh: Vietnamfinance)

Theo ông việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ sẽ dẫn tới hệ lụy gì đối với Trung Quốc?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Động thái liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ của Mỹ không gây nhiều bất ngờ và chủ yếu mang mục đích chính thức hóa quan điểm của Tổng thống Trump từ khi tranh cử.

Kể từ thời điểm tranh cử Tổng thống Mỹ (năm 2016), ông Trump đã bắt đầu cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Và kể từ khi đắc cử, ông Trump cũng luôn luôn cho rằng Trung Quốc lạm dụng vũ khí tiền tệ để trục lợi ngoại thương với Mỹ. 

Do đó, về mặt chính trị, việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ không mang nhiều ý nghĩa.

Về mặt kinh tế, có thể ông Trump sẽ sử dụng "chiêu bài" thao túng tiền tệ để có các biện pháp mạnh hơn trong việc đối đầu thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó, Mỹ đã tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và quan chức hai nước cũng đã đàm phán hơn một năm nay mà không đạt được thỏa thuận.

Do vậy, việc liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ chỉ là một phản ứng trả đũa của Mỹ sau khi Trung Quốc để đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới ngưỡng kháng cự 7 CNY/USD lần đầu tiên kể từ năm 2018

Sau động thái của Mỹ, Trung Quốc sẽ có những hành động gì nhằm đáp trả thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách áp thuế lên một số loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Và điều mà Trung Quốc có thể làm tổn thương Mỹ nhanh nhất là ngừng mua hàng nông sản từ Mỹ

Vì thế, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đánh mạnh vào điểm yếu này của Mỹ.

Theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 6/8, các công ty trong nước đã ngừng thu mua sản phẩm nông sản Mỹ, đáp trả lại quyết định áp thuế quan lên 300 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc khác của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước.

Cùng với việc trả đũa thương mại, Trung Quốc có tiếp tục để đồng nhân dân tệ yếu thêm nữa không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khả năng Trung Quốc tiếp tục để đồng nhân dân tệ yếu đi là điều có thể xảy ra. 

Mặc dù, chúng ta chưa biết chính xác chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc sẽ diễn biến như thế nào nhưng dự báo nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng thì việc Trung Quốc để cho đồng nhân dân tệ yếu đi là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông, xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ hay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Không chỉ Trung Quốc mà cả Mỹ và một số quốc gia cũng đang tìm cách áp dụng chính sách một đồng tiền rẻ để tạo lợi thế về ngoại thương cho mình. 

Gần nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm % và kéo theo sự mất giá của đồng USD so với nhiều đồng tiền chủ chốt. Ngay sau đó, Trung Quốc đã phá giá đồng nội tệ của mình.

Trong thời gian tới, có thể sẽ có thêm nhiều quốc gia khác tiến hành phá giá đồng nội tệ. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh tiền tệ (currency war). Và trong cuộc chiến tranh tiền tệ này thì tất cả các bên đều sẽ phải chịu thiệt hại.

Đà lao dốc của đồng nhân dân tệ đã kéo theo sự mất giá của một loạt đồng tiền trong khu vực bao gồm cả VND, ông có bình luận gì về vấn đề gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam luôn chủ trương duy trì một đồng tiền ổn định nhưng điểm yếu của nền kinh tế nước ta là phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương. 

Trong bối cảnh, các nước đều muốn sử dụng tiền tệ để tạo lợi thế cho xuất khẩu thì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Khi đó, Việt Nam cũng phải buộc giảm giá trị tiền đồng tạo lợi thế cho hoạt động xuất khẩu .

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng tiền đồng của Việt Nam sẽ tiếp tục mất giá trong những tháng cuối năm 2019. Trong năm 2020, nếu cuộc chiến tranh thương mại trở nên tồi tệ hơn thì xu hướng mất giá của tiền đồng sẽ tiếp tục diễn ra.

Quốc Thụy