Nhà vàng nổi tiếng Hà thành: Đi lên từ gánh hàng rong, bán đủ thứ từ nước chè đến ốc luộc, khoai lang, bún riêu, kem 1- 2 hào
Vàng Bảo Tín là cái tên quen thuộc trong ngành kim hoàn ở thị trường phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội. Trong đó, Bảo Tín Minh Châu là thương hiệu vàng có tên tuổi vào hàng lớn nhất trong làng kim hoàn tại Việt Nam, với doanh thu năm ngoái đạt xấp xỉ 23 triệu USD.
Tuy nhiên, ngoài Bảo Tín Minh Châu, còn có các thương hiệu vàng khác như Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long,… tất cả đều là anh em trong cùng một gia tộc vàng Bảo Tín.
Hiện thương hiệu Bảo Tín Minh Châu có 5 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và hơn 200 đại lý yếu ở miền Bắc. Người anh em Bảo Tín Mạnh Hải có 5 chi nhánh, Bảo Tín Thanh Vân có 2 cơ sở. Còn lại, Bảo Tín Hồng Quân và Bảo Tín Hoàng Long, mỗi thương hiệu đều sở hữu một cửa hàng, cũng tại Hà Nội.
Từ gánh ốc luộc tới đế chế bán vàng triệu đô
Cửa hàng vàng mang thương hiệu Bảo Tín đầu tiên được thành lập năm 1989 tại thị trấn Văn Điển, Hà Nội do bà Lương Thị Điểm, sinh năm 1936 làm chủ. Nhưng trước đó ít ai ngờ được rằng cửa hàng này lại đi lên từ chính gánh hàng rong bán ốc luộc của bà Điểm tại cổng chợ Văn Điển.
Trao đổi trước báo giới năm 2013, bà Điểm khi ấy gần 80 tuổi nhớ lại: "Ngày ấy bà bán đủ thứ từ nước chè, đến ốc luộc, khoai lang, bún riêu, kem 1- 2 hào. Vì ngày nào cũng bán ở cổng chợ nên có người quen tin tưởng nhờ bà bán hộ vàng. Cứ thế, ngày càng đông người nhờ bà mua bán hộ vàng bạc".
Bà Điểm có 6 người con, 3 trai 3 gái, trong đó có 5 người theo nghiệp vàng của gia đình. Các cửa hàng này đều đặt thương hiệu có kèm theo chữ "Bảo Tín". Trong đó, Bảo Tín Minh Châu là thương hiệu vàng tên tuổi và được nhiều người biết đến hơn cả.
Tại thị trường vàng trong nước, nếu xét về quy mô doanh thu hàng năm, thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu đang đứng thứ 4, sau các ông lớn như PNJ, Doji và SJC. Khác với các doanh nghiệp trong ngành, Bảo Tín Minh Châu lại chọn thị trường miền Bắc làm trọng tâm, sở hữu trong tay hơn 200 đối tác.
Nếu như PNJ - ông lớn có lợi nhuận cao nhất ngành vàng tại Việt Nam, chọn phân khúc trang sức cao cấp làm hoạt động kinh doanh chính, nguồn thu chủ yếu của Bảo Tín Minh Châu chủ yếu đến từ việc kinh doanh vàng bạc. Biên lợi nhuận gộp của Bảo Tín Minh Châu cũng thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 16- 19% của PNJ.
Năm 2019, chuỗi cửa hàng vàng này đạt 531 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,4 lần so với năm liền trước đó. Lợi nhuận trong năm 2019 ghi nhận 1,2 tỷ đồng, trong khi năm trước đó ghi nhận khoản lỗ 4,4 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Bảo Tín Minh Châu đạt 115 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 97 tỷ đồng.
Kín tiếng hơn Bảo Tín Minh Châu, các thương hiệu vàng khác trong họ "Bảo Tín" có đơn vị ghi nhận doanh thu mỗi năm hơn trăm tỷ đồng, song lợi nhuận ghi nhận không đáng kể.
Lớn mạnh nhất có thể kể đến là Bảo Tín Mạnh Hải được thành lập năm 1992, do người con trai bà Điểm là Vũ Mạnh Hải thành lập. Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp này sở hữu trong tay nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có.
Năm 2019, Bảo Tín Mạnh Hải ghi nhận 104 tỷ đồng doanh thu, tăng 55% so với năm 2018. Song doanh nghiệp này nhiều năm liền không ghi nhận lãi, trong đó năm 2019 lỗ hơn 1 tỷ đồng, trước đó lỗ 465 triệu đồng.
Cửa hàng Bảo Tín Thanh Vân do người con gái Vũ Thanh Vân làm chủ, doanh thu giảm qua từng năm. Theo số liệu mới nhất chúng tôi có được, cửa hàng vàng này ghi nhận doanh thu gần 16 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với 2 năm trước đó.
Thương hiệu vàng này ghi nhận lãi tượng trưng năm 2018 là 131 triệu đồng, tăng so với con số hơn 20 triệu đồng năm 2017. Cuối năm 2018, doanh nghiệp có tổng tài sản là 21 tỷ đồng.
Dù có thâm niên lâu năm trong ngành, các nhà vàng cùng gốc Bảo Tín dường như ít tham vọng hơn so với các thủ khác như Doji hay PNJ. Bởi theo ông Vũ Minh Châu, người con cả của bà Điểm, sáng lập ra thương hiệu Bảo Tín Minh Châu chia sẻ trước báo giới, "cuộc sống cần có thêm nhiều giá trị khác, ngoài vàng".
"Những người nhiều tiền, nhiều của mà không tiêu, không chia sẻ với cộng đồng, chỉ để dành trong nhà hoặc gửi ngân hàng là nghèo. Tôi muốn gắn mình với cuộc sống thực. Vàng thôi chưa đủ, cuộc sống cần thêm nhiều giá trị khác nữa", ông Châu nói tại Diễn đàn Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp.