4 ông lớn ngành vàng PNJ, Doji, SJC và Bảo Tín Minh Châu đang kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo của Chứng khoán VCBS, qui mô thị trường vàng của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 10% giai đoạn 2013 - 2019. Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ vàng miếng chứng kiến tốc độ giảm nhanh chóng, trong khi đó sản lượng vàng trang sức gia tăng mạnh tại Việt Nam.
Tiêu thụ vàng trang sức tại Việt Nam tương đương với mức các nước đang phát triển. Tính tới cuối năm 2019 thì 73% thị phần bán lẻ trang sức ở Việt Nam vẫn nằm trong tay các cửa hàng truyền thống.
CTCP Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (Mã: PNJ) là nhà bán lẻ trang sức đứng đầu ở Việt Nam với thị phần 7% còn 20% thị phần nằm ở các chuỗi khác.
Trên thị trường trang sức Việt Nam, ngoài PNJ còn có các thương hiệu lớn khác như Doji, SJC, Bảo Tín Minh Châu. Vậy các ông lớn này kinh doanh ra sao?
Doanh thu hàng tỉ USD của Doji vượt mặt nhiều ông lớn niêm yết
Thành lập năm 1994, CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quí Doji của ông Đỗ Minh Phú hiện có vốn điều lệ lớn nhất trong 4 doanh nghiệp kể trên, đạt 3.000 tỉ đồng.
Ông Đỗ Minh Phú là cổ đông lớn nhất nắm 70% vốn của Doji bên cạnh con trai và con gái ông cùng nắm 15% vốn tại đây. Hiện con trai ông Phú là ông Đỗ Minh Đức đang làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Doji.
Ngoài chức vụ tại Doji, ông Phú còn đang là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực vàng bạc đá quí mà Doji còn tham gia vào cả lĩnh vực bất động sản (Doji Land), tài chính ngân hàng (TPBank). Hiện Doji có 12 công ty con và 5 công ty liên kết.
Sau khi thâu tóm chuỗi Thế giới Kim cương vào tháng 5/2020 đã giúp Doji nâng số trung tâm, cửa hàng lên gần 200. Thế giới Kim cương là công ty top 3 thị trường bán lẻ trang sức tại Việt Nam với trên 100 cửa hàng, trung tâm tại hầu hết trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước.
Theo dữ liệu người viết có được từ công ty mẹ, doanh thu của Doji năm 2019 lên tới 88.920 tỉ đồng. Cả lợi nhuận và doanh thu của Doji liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020.
Nguồn: H.K tổng hợp
Dù doanh thu năm 2019 vượt cả nhiều ông lớn niêm yết như Vietjet, Vietcombank, BIDV nhưng lãi sau thuế của Doji chỉ đạt 151 tỉ đồng. Nửa đầu năm 2020, lãi sau thuế của Doji đạt 45,5 tỉ đồng, ROE chỉ ở mức 1,3%.
Tại ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu của Doji đạt 3.392 tỉ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu gần 1,8 lần, tương ứng với tổng tài sản khoảng 9.460 tỉ đồng.
Lợi nhuận ông lớn nhà nước SJC bấp bênh
Là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM, SJC được thành lập năm 1988. SJC cho biết công ty có 23 chi nhánh, 6 công ty con, 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư.
SJC có mạng lưới phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lí chính thức và trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.
Hoạt động cốt lõi của SJC là sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức bên cạnh đó doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực địa ốc, đầu tư tài chính (VietABank) qua các khoản đầu tư góp vốn.
Doanh thu của SJC đạt trên 23.127 tỉ đồng năm 2019 theo số liệu trên báo cáo tài chính tổng hợp.
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của SJC trồi sụt giai đoạn 2016 – 2019 khi giảm mạnh năm 2018.
Nguồn: H.K tổng hợp
Vốn điều lệ cuối năm 2019 trên sổ sách của SJC đạt 1.359 tỉ đồng nhưng UBND TP HCM vẫn còn phải góp thêm 259 tỉ đồng.
Hết năm 2019, qui mô tổng tài sản của SJC đạt 1.592 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.485 tỉ đồng. Công ty chỉ vay nợ tài chính 1,3 tỉ đồng.
Bảo Tín Minh Châu có lãi trở lại sau giai đoạn thua lỗ
Ra đời cùng khoảng thời gian với Doji, Bảo Tín Minh Châu thành lập năm 1989 do doanh nhân Vũ Minh Châu làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Vốn điều lệ của Bảo Tín Minh Châu là 100 tỉ đồng. Trong đó, ông Châu nắm 90,17% vốn của Bảo Tín Minh Châu bên cạnh ông Vũ Phương Nam – Phó Tổng giám đốc sở hữu 9,83% vốn còn lại.
Trái với độ phủ toàn quốc của PNJ, SJC, Doji thì Bảo Tín Minh Châu lại chọn riêng thị trường miền Bắc với trên 200 đối tác.
Năm 2020, Bảo Tín Minh Châu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp tăng đột biến. Công ty cũng chính thức thoát khỏi giai đoạn thua lỗ khi năm 2019 lãi ròng 1,2 tỉ đồng.
Nguồn: H.K tổng hợp.
Cuối năm 2019, qui mô tổng tài sản của Bảo Tín Minh Châu đạt 115 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 97 tỉ đồng.
PNJ đứng số 1 về lợi nhuận
Thành lập năm 1988 nhưng so với các ông lớn Doji, SJC thì CTCP Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (Mã: PNJ) có lợi nhuận "khủng" nhất trong nhóm này. Doanh thu và lợi nhuận của PNJ liên tục tăng trưởng qua các năm.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế của PNJ giai đoạn 2016 - 2019 lên tới 27,6%.
ROE ( tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của PNJ cũng ở mức "khủng" so với Doji, SJC, Bảo Tín Minh Châu khi luôn ở trong khoảng gần 25 - 26% giai đoạn 2017 - 2019.
Theo tìm hiểu của người viết xét về số lượng cửa hàng trang sức thì PNJ đang xếp thứ 1 với 294 cửa hàng trên khắp cả nước (PNJ Gold, PNJ Silver, CAO, PNJ Art) tính đến cuối tháng 6/2020. Công ty cũng lên kế hoạch mở mới 16 cửa hàng trong nửa cuối năm 2020 (phần lớn là các cửa hàng độc lập tại các thành phố loại 2 và 3).
Tập trung chính vào phân khúc trang sức nên có thể thấy biên lợi nhuận gộp của PNJ cao hơn hẳn so với Bảo Tín Minh Châu và SJC – hai doanh nghiệp có nguồn thu chính từ kinh doanh vàng bạc, trang sức.
Biên lợi nhuận gộp của PNJ liên tục cải thiện từ giai đoạn 2016 - 2019 nhưng đang có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm.
Theo số liệu mới nhất doanh nghiệp công bố thì biên lợi nhuận gộp trong tháng 7 đạt 17,6%, giảm so với mức 19,5% của cùng kì chủ yếu là do tỉ trọng của mảng kinh doanh vàng miếng tăng mạnh.
Tháng 7 cũng là thời điểm doanh thu vàng miếng của PNJ tăng đột biến do giá vàng trong nước và nước ngoài liên tục phá đỉnh của chục năm qua.
Nhờ hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), PNJ được kì vọng sẽ tự sản xuất nhiều sản phẩm (như Platinum), vốn phần lớn được nhập khẩu trước đây sẽ hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Tại ngày 30/6/2020, qui mô tài sản của PNJ đạt 8.158 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 4.701 tỉ đồng.