Tổng Công ty vàng Agribank rút khỏi danh sách công ty đại chúng, tương lai sẽ là dấu hỏi lớn sau khi Agribank thoái sạch vốn
Ngày 14/8/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP (Viết tắt: AJC).
Theo quyết định trên, UBCKNN yêu cầu AJC nộp phạt 85 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 34, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23.9.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân được UBCKNN đưa ra là do Công ty đã không báo cáo Ủy ban chứng khoán theo quy định gồm: báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán; báo cáo thường niên năm 2018; nghị quyết và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019; báo cáo tài chính (quý 3, 4 và bán niên năm 2017; quý 1, 2, 3, 4, bán niên năm 2018 và quý 1.2019).
AJC đang hoạt động ra sao?
Hoạt động kinh doanh chính của AJC là kinh doanh, xuất nhập khẩu – chế tác – nhận ký gởi, làm đại lý vàng, bạc, đá quý, hàng trang sức, mỹ nghệ cho các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước; Nhận uỷ thác, làm đại lý trong các hoạt động ngân hàng, thu đổi ngoại tệ, dịch vụ chuyển tiền Westernunion...cho Agribank và các tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra, theo giới thiệu của AJC thì công ty còn được phép kinh doanh Vàng trên tài khoản; kinh doanh sàn giao dịch vàng; dịch vụ tư vấn đầu tư kinh doanh vàng; Kinh doanh dịch vụ cầm đồ; Khai thác mỏ vàng bạc đá quý và các loại khoáng sản khác (trừ các loại khoáng sản nhà nước cấm)
Sản phẩm vàng miếng AJC (nguồn website AJC)
Có thể thấy, chức năng hoạt động của AJC gắn bó mật thiết với hoạt động của một ngân hàng thương mại. Đây đều là những lĩnh vực mà một lãnh đạo của AJC từng tiết lộ với báo chí hồi năm 2013 rằng "Có lẽ vì AJC là một miếng bánh béo bở, nên nhiều nhà đầu tư đang "vận động" lãnh đạo Agribank bán để xâu xé miếng bánh này".
Tuy nhiên, thông tin của AJC cho thấy hoạt động kinh doanh từ năm 2014, thời điểm AJC công khai tài chính đến nay là kém hiệu quả. Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận của AJC thì trồi sụt thất thường do biên lợi nhuận gộp mỏng, chỉ khoảng 1-2%.
Doanh thu của AJC giảm đều từ 2014 đến nay (Tổng hợp số liệu từ BCTC AJC công bố)
Ngoài ra, năm 2018, sau khi Agribank thoái vốn, AJC đã thay đổi đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán Vaco, trước đó, trong giai đoạn từ 2015-2017, đơn vị kiểm toán của AJC là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Cũng trong năm 2018, báo cáo của AJC cho thấy đã có một lượng tiền mặt được rút ra khỏi công ty. Số tiền này được AJC ghi nhận là khoản đầu tư 40 tỉ đồng vào Công ty Cổ phần Du lịch Nghỉ dưỡng.
Theo Vaco, "Công ty chưa xác định được giá trị hợp lý tại ngày kết thúc niên độ kế toán của các khoản đầu tư này để thuyết minh BCTC bởi không có giá trị niêm yết trên thị trường cho khoản đầu tư này, chuẩn mực kế toán và các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính. Giá trị hợp lý có thể khác so với giá trị ghi sổ."
Ai đang sở hữu Tổng Công ty Vàng Agribank?
Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam tiền thân là Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam được thành lập theo quyết định số 131/QĐ-NHNo ngày 28/09/1994 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Agribank.
Tháng 9/2008, AJC thực hiện IPO thành công với 02 cổ đông chiến lược là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Tập đoàn Nam Cường.
Cuối năm 2008, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HDQT) Agribank đã ký quyết định đổi tên Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam thành Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam – CTCP (viết tắt là AJC). AJC chính thức hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01/01/2009.
Tổng tài sản AJC không nhiều thay đổi cho đến khi Agribank thoái vốn năm 2018 (nguồn BCTC AJC)
Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017, phía Agribank thông báo vào ngày 08/1/2018, ngân hàng đã chuyển nhượng toàn bộ 12,6 triệu cổ phần, tương đương 61,24% vốn tại AJC cho 3 nhà đầu tư tổ chức với tổng giá trị xấp xỉ 190 tỷ đồng và không còn sở hữu cổ phần tại đây.
3 cổ đông tổ chức bao gồm, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Thịnh mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu AJC, đưa số lượng cổ phiếu sở hữu lên 5,1 triệu cổ phiếu, tương đương 24,78% vốn điều lệ;
Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Dịch vụ Thương mại Hồng Ngọc đã mua vào 4,2 triệu cổ phiếu AJC, nâng mức sở hữu lên 4,75 triệu cổ phiếu tương đương 23,06% vốn điều lệ.
Công ty TNHH Thung lũng Vua mua thành công 3,4 triệu cổ phiếu, nâng mức sở hữu tại AJC lên 3,74 triệu cổ phiếu tương đương 18,16% vốn điều lệ.
Đến ngày 30/3/2018, Phú Thịnh đã chuyển nhượng toàn bộ 5,1 triệu cổ phiếu (24,78% vốn điều lệ) AJC cho bà Dương Thị Thu Thủy, người đồng thời cũng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Dịch vụ Thương mại Hồng Ngọc.
Như vậy, nhóm cổ đông lớn là Thung lũng Vua và Hồng Ngọc hiện đang sở hữu khoảng 66% vốn điều lệ của AJC bênh cạnh cổ đông chiến lược là SeABank. Theo giấy đăng ký kinh doanh, cả 2 công ty này đều mở tài khoản giao dịch tại SeABank.
Trung tuần tháng 9/2018, nhân sự AJC đã sự thay đổi lớn khi thay cả 2 chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Cụ thể, bà Trần Thị Nguyệt và bà Nguyễn Hồng Hải được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc AJC.
Đây đều là những cá nhân giữ các chức vụ quan trọng tại các thành viên trong hệ sinh thái của SeaBank và Tập đoàn BRG của nữ doanh nhân quyền lực Nguyễn Thị Nga.
Trong đó, bà Trần Thị Nguyệt là thành viên HĐQT SeABank, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần cảng Sài Gòn (SGP) - nơi bà đại diện vốn cho Công ty Cổ phần chứng khoán Đông Nam Á; bà Nguyễn Hồng Hải được biết đến là Phó Tổng giám đốc tài chính Công ty cổ phần khách sạn Thắng Lợi và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chứng khoán Đông Nam Á.
Rút khỏi danh sách đại chúng
Theo thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đúng một ngày sau khi UBCKNN công bố xử phạt hành chính, ngày 15/8, UBCNNN thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam kể từ ngày 21/5/2019.
Thông tin từ Website AJC không có thông báo cũng như không có tờ trình cổ đông thông qua về việc rút khỏi danh sách công ty đại chúng. Tuy nhiên, theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, tại ngày 24/6/2019, công ty có 87 cổ đông, bao gồm 10 cổ đông lớn đại diện 97,81% vốn, còn lại 77 cổ đông sở hữu 2,19% cổ phần.
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 25 Luật Chứng khoán và Điều 36 Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì Công ty không còn đủ điều kiện là Công ty đại chúng vì số lượng cổ đông thấp hơn 100 cổ đông.
Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, công ty đại chúng có nghĩa vụ phải công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng.
Như vậy, kể từ sau thời điểm này, thông tin về AJC sẽ vượt ra ngoài tầm quan sát của công chúng. Bởi lúc này, công ty không còn nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định công bố thông tin lên trên website và cổng thông tin của UBCKNN về tình hình hoạt động như một công ty đại chúng thông thường.