Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đang hoạt động ra sao?
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do nhà nước sở hữu 100% vốn, trực thuộc UBND TP HCM quản lí. Mạng lưới kinh doanh phân phối của SJC gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lí chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.
Phần lớn doanh thu của SJC vẫn chủ yếu đến từ kinh doanh vàng miếng. Ở giai đoạn đỉnh cao, SJC từng đạt doanh thu hơn 111.000 tỉ đồng vào năm 2011. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của SJC lại rất thấp, tỉ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh vàng miếng chỉ trong khoảng 0,1 – 0,5%.
Theo số liệu có được kể từ khi SJC chính thức công bố BCTC năm 2012, doanh thu hàng năm của SJC có xu hướng giảm dần, xoay quanh ngưỡng 20.000 tỉ đồng, lợi nhuận chỉ vài chục tỉ đồng mỗi năm.
Năm 2019, công ty đạt 23.127 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, con số này đã bao gồm hơn 4.500 tỉ đồng doanh thu nội bộ; năm trước đó, SJC chỉ ghi nhận 2.640 tỉ đồng doanh thu nội bộ. Như vậy, doanh thu 2019 của SJC gần như không thay đổi so với năm 2018.
Lãi gộp trong năm 2019 đạt 188 tỉ đồng, tăng 37 tỉ đồng so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 52,5 tỉ đồng, tăng 25 tỉ đồng so với thực hiện năm ngoái. Tỉ suất biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng tương ứng chỉ đạt 0,8% và 0,23%.
Hiệu quả hoạt động của JSC là thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chẳng hạn, một doanh nghiệp khác hoạt động cùng thời của JSC là PNJ có tỉ suất sinh lợi tương ứng là 20% và 7%, cao hơn nhiều so với SJC.
Điều này cũng dễ hiểu bởi hoạt động cùng lĩnh vực nhưng SJC chỉ mạnh ở mảng kinh doanh vàng miếng vốn có biên lợi nhuận mỏng. Kể từ khi hoạt động kinh doanh vàng miếng bị siết theo chủ trương của Nhà nước, doanh số của SJC nhanh chóng giảm mạnh từ 2013 đến nay.
Trong khi đó, ở phân khúc vàng trang sức, SJC cũng có hai dòng sản phẩm nữ trang là dòng phổ thông và dòng cao cấp SJC Diagold. Tuy nhiên, đến nay hoạt động này vẫn chưa cho thấy có sự đóng góp về hiệu quả rõ rệt.
Công ty cho biết, theo kế hoạch, SJC sẽ đầu tư cho hoạt động nhận diện thương hiệu nữ trang SJC. Công ty cũng lên kế hoạch sẽ liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để đa dạng hoá mẫu mã, hàng hoá kinh doanh và mở rộng mạng lưới tại các thị trường then chốt.
Bên cạnh đó, SJC sẽ qui hoạch nhân sự tại Xí nghiệp Nữ trang Tân Thuận, sắp xếp lại hoạt động sản xuất tại các xưởng nữ trang và dây chuyền máy theo hướng bổ sung máy móc công nghệ mới, tập trung sản xuất những mặt hàng có lợi thế tại hai xưởng này.
Công ty cũng dự kiến mở rộng mạng lưới bán lẻ tại TP HCM nếu như có hiệu quả, đồng thời xem xét đóng cửa các cửa hàng, chi nhánh kém hiệu quả và không ăng trưởng. Cấu trúc lại nguồn vốn, đưa nguồn vốn vào những mặt hàng có tính thanh khoản.
Năm 2020, SJC đặt kế hoạch tổng doanh thu ở mức 25.700 tỉ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế dự kiến 70 tỉ đồng, tăng nhẹ 3 tỉ đồng so với năm 2019.
Ngoài ra, công ty vẫn chưa có kế hoạch chi tiết về việc thực hiện cổ phần hoá. Mặc dù trước đó, vào tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó, SJC thuộc nhóm các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.
SJC hiện có vốn điều lệ ở mức 1.359 tỉ đồng trên tổng tài sản 1.592 tỉ đồng (ghi nhận cuối 2019) và không có nợ vay. Nhiều nhà đầu tư đang kì vọng, sau khi cổ phần hoá, với sự tham gia của đối tác chiến lược và minh bạch hoá thông tin, có thể tạo sức ép giúp SJC mau chóng chuyển đổi, giúp cải thiện biên lợi nhuận.