|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinalines dự kiến lỗ hơn 1.000 tỉ đồng năm 2020

11:24 | 23/07/2020
Chia sẻ
Từ đầu tháng 9/2020 Vinalines sẽ chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần và theo qui định doanh nghiệp phải thực hiện phân bổ, trích lập các chi phí trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lí với tổng giá trị 941 tỉ khiến doanh nghiệp lỗ 1.025 tỉ năm 2020.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) – Công ty TNHH MTV vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên lần đầu để chính thức chuyển thành công ty cổ phần và dự kiến họp ngày 8/8 tới đây.

Theo tờ trình, năm 2020, công ty mẹ Vinalines đặt kế hoạch doanh thu 1.526 tỉ đồng, lỗ trước thuế 1.025 tỉ đồng. Trong đó 8 tháng đầu năm dự kiến doanh thu 894 tỉ đồng, lỗ trước thuế gần 140 tỉ.

Còn 4 tháng cuối năm, doanh nghiệp dự kiến 632 tỉ doanh thu và lỗ nặng 885 tỉ đồng. Từ đầu tháng 9/2020, Vinalines sẽ chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Vinalines dự kiến lỗ hơn 1.000 tỉ đồng năm 2020 - Ảnh 1.

Nguồn: Vinalines.

Trước đó, Uỷ ban quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch kinh doanh của công ty mẹ với 1.555 tỉ đồng doanh thu, 51 tỉ đồng lãi trước thuế.

Kết quả kinh doanh của các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty mẹ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và sự suy giảm thương mại toàn cầu.

Vinalines cho biết với dịch bệnh COVID-19, việc tìm nguồn hàng cho các tàu vô cùng khó khăn. Dịch bệnh làm suy giảm thị trường vận tải, đặc biệt giai đoạn cuối tháng 3 và 4 hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á đã áp dụng phong toả toàn quốc, không tiếp nhận tàu hàng như: Ấn Độ, Malaysia, Philippines. Việc cách li tàu 14 ngày gây khó khăn cho tàu vào làm hàng tại cảng, ảnh hưởng tiến độ làm hàng, kéo dài thời gian thực hiện chuyến hàng làm giảm doanh thu, tăng chi phí.

Việc thanh lí các tàu biển kéo theo kế hoạch cũng bị ảnh hưởng do vào thời điểm hiện nay giá mua bán tàu giảm dẫn đến giá trị dự kiến thu hồi khi bán tàu giảm so với kế hoạch.

Với chi nhánh Vinalines Hải Phòng dự kiến kết quả kinh doanh giảm. Trái lại với văn phòng Tổng công ty ước tính sẽ tăng lãi do cắt giảm mạnh các chi phí.

Giải trình việc lỗ 4 tháng cuối năm, Vinalines cho biết theo qui định về cổ phần hoá, ngay sau khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp phải thực hiện phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lí.

Dự án cảng Vân Phong đã dừng thực hiện từ tháng 9/2012. Thời gian qua, Tổng công ty đã thực hiện bàn giao dự án cho Cục Hàng hải Việt Nam nhưng trong quá trinh phát sinh vướng mắc nên chưa hoàn thành việc bàn giao.

Cho đến nay để xử lí tồn tại của dự án cảng Vân Phong, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng cho phép Vinalines thực hiện thanh lí tài sản.

Các chi phí phân bổ, trích lập bổ sung gồm: Chi phí lợi thế kinh doanh khi xác định giá trị doanh nghiệp (130 tỉ đồng); trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi (289 tỉ đồng), đầu tư tài chính dài hạn (87 tỉ đồng), giảm giá hàng tồn kho (200 tỉ đồng) và dự phòng các chi phí dự án dở dang tồn đọng (dự án cảng Vân Phong trích lập 213 tỉ, cảng Lạch Huyện trích lập gần 22 tỉ đồng).

Theo đó, tổng giá trị trích lập bổ sung 4 tháng cuối năm là khoảng 941 tỉ đồng. Trong khi kế hoạch lợi nhuận khoảng 55,5 tỉ đồng nên doanh nghiệp dự kiến lỗ trước thuế 885 tỉ đồng.

Với hoạt động đầu tư, năm 2020 doanh nghiệp dự kiến dành gần 114 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng gồm 6 dự án. Khoản đầu tư mua sắm trang thiết bị 6 dự án là 230 tỉ đồng, các dự án khác khoảng 48 tỉ đồng.

Về kế hoạch thoái vốn, năm 2020 doanh nghiệp dự kiến thoái, giảm vốn tại 13 doanh nghiệp và bán/thanh lí 15 tàu.

Hoàng Kiều