|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư Nhật Bản sẵn sàng đổ thêm vốn vào chứng khoán Việt Nam, nhưng...

21:16 | 21/02/2017
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua ghi nhận nhiều khởi sắc, bởi vậy không lạ khi thị trường nhận được sự quan tâm lớn từ khối nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, làm sao để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn này đang là bài toán khó, khi vẫn còn đó những vấn đề về nới room, về chất lượng doanh nghiệp...

“Gỡ vướng cho nới room: Chưa có gì mới…”

Tháng nào Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam (CPVN) thuộc Công ty Capital Partners Securities của Tập đoàn Capital Partners (Nhật Bản) cũng trả lời như vậy trong báo cáo cập nhật về thị trường chứng khoán Việt Nam tới nhà đầu tư Nhật Bản trước câu hỏi mà họ đặt nhiều quan tâm, đó là việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài.

"Nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy rằng, nhu cầu vốn với chi phí thấp của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng ứng xử với nhà đầu tư lại thiếu chuyên nghiệp".

- Chuyên gia nào Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam.

Chuyên gia của CPVN nhìn nhận, so với nhiều thị trường trong khu vực ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có không ít lợi thế thu hút vốn ngoại: là thị trường giàu tiềm năng và đang trong giai đoạn phát triển sung sức, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, cũng như nâng cao chất lượng và số lượng hàng hóa cho thị trường thông qua đốc thúc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần… Những yếu tố này đang tạo ra sức hút đối với dòng vốn ngoại.

“Mức độ quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản tới thị trường chứng khoán Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi VN-Index đạt và vượt mốc 700 điểm. Điều đáng tiếc là dù dành mối quan tâm cao và sẵn sàng đổ thêm vốn vào thị trường, nhưng họ lại không thể giải ngân bởi nhiều lý do, trong đó vướng mắc về cơ chế nới room là một bước cản đáng kể…”, chuyên gia của CPVN nói.

Ông cho biết thêm, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có trên 1.000 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng chỉ vài chục mã nhận được sự quan tâm, cũng như có các tiêu chí thỏa mãn yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản. Đó là chưa kể trong đó có không ít cổ phiếu đã cạn room dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hệ quả là họ không thể giải ngân vào thị trường, dù rất muốn. Ngay cả những cổ phiếu còn room thì cũng rất khó mua, bởi nhiều nguyên nhân: doanh nghiệp có chất lượng quản trị, hiệu quả kinh doanh kém; không minh bạch thông tin khiến nhà đầu tư khó tiếp cận doanh nghiệp; cổ phiếu thanh khoản thấp...

“Trên thị trường, doanh nghiệp thường quảng bá mình là minh bạch, hiệu quả kinh doanh tốt…, nhưng việc thu thập thông tin của nhà đầu tư để chứng minh lời quảng bá đó là sự thật đang vấp phải nhiều rào cản”, đại diện CPVN nói.

Chẳng hạn, bộ phận quan hệ nhà đầu tư của đại đa số doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa thực sự sẵn sàng cung cấp thông tin đến nhà đầu tư. Theo vị đại diện này, sự kém hiệu quả của bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại không ít doanh nghiệp niêm yết hiện nay khiến doanh nghiệp ở trong tình cảnh “tự đóng cửa” trong tiếp cận với nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Những vướng mắc về room đang rất trông đợi Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết liệt tháo gỡ trong năm nay, để tạo bước chuyển rõ nét trong thu hút dòng vốn ngoại nói chung và từ nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

Để hóa giải vướng mắc về nới room hiện tại, ngoài đòi hỏi nỗ lực của cơ quan quản lý, rất cần sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, thông qua cải thiện minh bạch thông tin và chất lượng quan hệ nhà đầu tư. Theo đó, bộ phận quan hệ nhà đầu tư cần phải động giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư, mà quan trọng hơn là chủ động cung cấp, cập nhật thông tin về doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp càng minh bạch thông tin, sẽ càng hấp dẫn nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy rằng, nhu cầu vốn với chi phí thấp của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng ứng xử với nhà đầu tư lại thiếu chuyên nghiệp. Nếu không khắc phục hạn chế này, mà chỉ trông chờ cơ quan quản lý nới thêm room để huy động vốn ngoại, thì rất khó thành công”, chuyên gia CPVN nhận mạnh.

Để tạo cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư Nhật Bản, đại diện CPVN cho biết, Công ty đã và đang sẵn sàng kết hợp với các doanh nghiệp muốn tiếp cận đối tượng nhà đầu tư này.

“Chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng bản giới thiệu tổng thể về doanh nghiệp, rồi biên dịch ra tiếng Nhật, để ban đầu là giới thiệu cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp, sau đó CPVN định kỳ cập nhật thông tin về hoạt động của doanh nghiệp cho nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này cũng giống như chính sách “bảo hành” cho việc mua cổ phiếu của nhà đầu tư Nhật Bản, tránh tình trạng sau khi mua xong cổ phiếu thì gặp khó trong tiếp cận các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Đây là điều mà họ rất e ngại”, đại diện CPVN nói.

Vướng mắc về triển khai quy định nới room là điểm được thị trường quan tâm, nhưng theo dự thảo tờ trình Chính phủ về sửa Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, có thể phải đợi đến cuối năm 2018 những vấn đề về nới room mới được tháo gỡ, khi luật này được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến quy định về sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, điểm này sẽ sửa đổi theo hướng: đối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO, mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100%, thay vì 49% như hiện tại, sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngành, nghề đó.

Thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các doanh nghiệp tốt lên sàn

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ

Việc nhà quản lý tháo gỡ vướng mắc cho áp dụng quy định nới room chỉ là điều kiện cần để thu hút vốn ngoại, điều kiện đủ là bản thân doanh nghiệp phải cải thiện tính hấp dẫn trong con mắt của nhà đầu tư ngoại, thông qua nâng cao chất lượng quản trị, cũng như hiệu quả kinh doanh; hoạt động minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao…, tất cả những vấn đề này phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trên thực tế.

Bộ phận quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp cần hoạt động chuyên nghiệp, thân thiện với nhà đầu tư, chứ không nên “khép kín”. Hãy hình dung rằng, khi nhà đầu tư mang tiền đầu tư tại doanh nghiệp, thì ở bất kỳ thời điểm nào họ cũng muốn biết doanh nghiệp sử dụng tiền đó như thế nào. Nếu không nhận được câu trả lời, liệu nhà đầu tư có dám bỏ vốn vào doanh nghiệp?

Để hút vốn ngoại trong bối cảnh những vướng mắc về nới room còn chưa được tháo gỡ, các cơ quan quản lý cũng như chủ doanh nghiệp cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các doanh nghiệp tốt lên sàn, để bổ sung nguồn hàng mới, chất lượng cho thị trường, qua đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Cần đơn giản hóa thủ tục chấp thuận nới room

Giám đốc bộ phận phân tích một công ty chứng khoán

Quy định nới room trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết, nhưng quá trình nới room của doanh nghiệp (từ năm ngoái đến nay) diễn ra chậm, nên chưa tạo ra dấu ấn trong cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài khoảng 10 doanh nghiệp đã nới room trong năm qua, hiện không nhiều doanh nghiệp tiến hành các thủ tục nới room, hoặc đã thực hiện nhưng chưa hoàn chỉnh.

Ngay cả với doanh nghiệp đã nới room, cũng không nhiều doanh nghiệp nằm trong “tầm ngắm”, cũng như phù hợp với khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là chưa kể những doanh nghiệp họ ưa thích thì hiện đã cạn room. Những bất cập đó đang cản trở vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng trên, nhà quản lý cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục chấp thuận cho doanh nghiệp nới room, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng nới room. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang e ngại nới room có nguyên nhân từ thủ tục còn rườm rà.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp khi thực sự muốn nới room để hút vốn ngoại, bên cạnh việc chủ động tiến hành các thủ tục nới room, cần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp trên tất cả các mặt, thì mới hấp dẫn nhà đầu tư. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tuy đã nới room, nhưng ngoài yếu tố quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp, thì tình trạng kém minh bạch thông tin là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Hữu Hòe