|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư Mỹ bị cuốn vào tâm trạng lạc quan, thị trường giá lên khó có thể tồn tại lâu dài?

07:50 | 28/07/2023
Chia sẻ
Huyền thoại đầu tư John Templeton cảnh báo rằng tâm trạng hưng phấn của các nhà đầu tư chính là điều sẽ giết chết thị trường giá lên.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Ông John Templeton, nhà quản lý quỹ huyền thoại của Phố Wall, từng tuyên bố: “Thị trường giá lên sinh ra từ bi quan, lớn lên trong hoài nghi, trưởng thành nhờ lạc quan và chết vì hưng phấn”.

Quả vậy, lịch sử cho thấy những khoảnh khắc “bi quan tột độ” chính là cơ hội mua cổ phiếu tốt nhất. Tháng 10/2022 cũng không phải ngoại lệ. Khi đó, tâm lý bi quan bao trùm khắp thị trường trong lúc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong hàng thập kỷ.

Các cảnh báo suy thoái được phát đi mỗi ngày. Xung đột quân sự quay trở lại châu Âu. Trung Quốc có vẻ bị mắc kẹt trong các đợt phong tỏa và số ca tử vong vì COVID-19 tăng cao. Chỉ số S&P 500 của Mỹ rớt gần 25% kể từ đỉnh, chỉ số DAX của Đức thiệt hại còn nặng nề hơn.

Trên thực tế, tháng 10/2022 là thời điểm tuyệt vời để gom cổ phiếu. Kể từ đó, chỉ số S&P 500 đã tăng 28%, chỉ còn cách 5% so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại hồi đầu năm 2022. Diễn biến của cuộc phục hồi cũng giống hệt như mô tả của Templeton.

Sau khi được sinh ra từ sự tuyệt vọng, cuộc phục hồi tiến sang giai đoạn hoài nghi.

Các nhà đầu tư dành hàng tháng trời đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong khi các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ khẳng định rằng đó chính xác là điều họ sẽ làm, còn các nhà kinh tế thì phàn nàn vì sự ngoan cố của những người tham gia thị trường.

Trong giai đoạn này, chứng khoán Mỹ nhích lên một cách sợ sệt, dù vẫn trải qua nhiều phiên giảm sâu.

Đến tháng 3/2023, một ngân hàng khu vực của Mỹ sụp đổ, rồi vài nhà băng khác tiếp tục nối gót. Lúc này, có vẻ như những người hoài nghi đã thắng cuộc. Nhưng thay vào đó, thị trường chuyển sang giai đoạn lạc quan.

Niềm hy vọng rằng công nghệ AI sẽ giúp năng suất bùng nổ đã thay thế những lo ngại về tăng trưởng và lạm phát. Giá cổ phiếu các công ty công nghệ lớn tăng vùn vụt.

Giờ đây phần còn lại của thị trường cũng đã gia nhập bữa tiệc. Điều này có thể được thấy qua sự so sánh giữa chỉ số S&P 500 và phiên bản “tỷ trọng tương đương” của nó.

Chỉ số S&P 500 thông thường tính tỷ trọng của các công ty dựa theo vốn hóa và do đó bị chi phối bởi 7 đại gia công nghệ lớn nhất, còn phiên bản trọng số tương đương thì gán cho mỗi cổ phiếu tỷ trọng bằng nhau.

 

Từ tháng 3 đến tháng 6, S&P 500 vượt trội hơn hẳn. Kể từ tháng 6 thì cả hai đều tiến lên, nhưng phiên bản “tỷ trọng tương đương” diễn biến tích cực hơn. Và cả hai đều bị đánh bại bởi chỉ số cổ phiếu ngân hàng KBW. Đà hồi phục được dẫn dắt bởi một số ít cổ phiếu đã mở rộng thành thị trường giá lên hoàn toàn.

Khảo sát hàng tuần của HIệp hội Nhà đầu tư Nhỏ lẻ tại Mỹ cho thấy các nhà đầu tư cá nhân đang có tâm trạng lạc quan nhất kể từ tháng 11/2021. Và 14 trong số 23 công ty đầu tư mà Bloomberg theo dõi đã nâng dự báo cuối năm của chỉ số S&P 500.

Nếu các nhà đầu tư tiếp tục trả giá ngày càng cao cho cổ phiếu - yếu tố cần thiết để thị trường tiếp tục đi lên - thì ít nhất họ phải tin vào một trong ba điều.

Điều thứ nhất là lợi nhuận doanh nghiệp sẽ gia tăng. Thứ hai là các tài sản thay thế khác, đặc biệt là lợi suất của trái phiếu chính phủ, sẽ mất bớt sự hấp dẫn.Thứ ba là khả năng lợi nhuận doanh nghiệp khiến thị trường thất vọng thấp đến mức cổ phiếu nên được trả giá cao hơn và nhà đầu tư phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn.

Niềm tin cuối cùng trong ba điều trên được thể hiện qua “phần bù rủi ro cổ phiếu”, tức chênh lệch giữa lợi nhuận nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu được từ cổ phiếu so với các trái phiếu an toàn hơn.

Tờ Economist cho biết phần bù rủi ro cổ phiếu năm 2023 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Nói cách khác, thị trường có vẻ đang mấp mé chuyển sang giai đoạn hưng phấn. Templeton sẽ nói gì trong trường hợp này?

Giang