Nguồn tiền đã cạn, doanh nghiệp dệt may VitaJean cần bơm thêm 100 tỷ đồng
Nguồn tiền đã cạn, doanh nghiệp cần huy động 100 tỷ đồng
Theo số liệu của Vitas, thời điểm này có đến 97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.
Còn lại khoảng 3% vẫn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với 30 – 40% công suất, chủ yếu phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc giao các đơn hàng gấp.
Trao đổi với người viết, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM cho biết việc gián đoạn sản xuất khiến đầu ra và dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Chưa kể, chi phí phát sinh trong sản xuất 3 tại chỗ như xét nghiệm, mua sắm thiết bị cần thiết để duy trì "3 tại chỗ"… không phải là con số nhỏ.
"Chu kỳ quay vòng dòng tiền ngành dệt may khoảng 3 – 6 tháng. Dòng tiền của VitaJean đến cuối tháng là hết, dòng tiền mới thì không kịp về.
Doanh nghiệp đang cần huy động khoảng vốn lưu động 100 tỷ đồng chi trả lương cho công nhân, 3 tại chỗ, mua nguyên liệu cho mùa Xuân – Hè", ông Việt nói.
Đại diện VitaJean lý giải ngành dệt may sản xuất theo thời vụ, thời điểm này các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện những đơn hàng Thu – Đông cuối cùng và chuẩn bị nguyên liệu sản xuất hàng năm 2022.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp chỉ dùng 50% nguyên liệu mùa Thu – Đông, còn lại phải cho vào kho lưu trữ cho năm sau bởi nếu cố gắng sản xuất, giá sản phẩm có thể bị giảm 20 – 30%, doanh nghiệp sẽ lỗ và không hiệu quả.
Do đó, VitaJean cũng đang theo dõi tình hình mở cửa của các địa phương để giải tỏa kho hàng khoảng 1 triệu sản phẩm với giá trị 100 triệu đồng/lô.
Ông Việt cho rằng: "Nếu giải quyết được số hàng này, dòng tiền mới sẽ về nhưng chậm trong khi doanh nghiệp cần vốn gấp để mua nguyên liệu.
Vì vậy, doanh nghiệp làm việc với các ngân hàng nâng cao hạn mức tín dụng, vay thế chấp trên tài sản cố định từ 50% lên 70 – 80% và có hai ngân hàng chấp thuận. Đồng thời, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp để trả lương cho công nhân".
Ông Thắng nhận định VitaJean làm việc với ngân hàng khá thuận lợi vì tạo được uy tín trước đó và có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, rủi ro thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ, rủi ro cao khác đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay bởi ngân hàng không dám cho vay.
3 tại chỗ "bật – tắt", nguy cơ thiếu lao động hậu COVID-19
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động rất lớn đến thị trường lao động, làm tê liệt thị trường phía Nam vốn sôi động và thu hút nhiều nhân lực nhất.
Công nhân mất việc làm không thể cầm cự ở thành phố, ồ ạt về quê dấy lên nghi ngại về việc thiếu lao động hậu đại dịch COVID-19.
Theo ông Việt, trong 3 tháng qua, VitaJean hoạt động trong tình trạng bật tắt, có lúc thực hiện 3 tại chỗ, có lúc phải tạm đóng cửa.
Đến ngày 16/9, doanh nghiệp trở lại sản xuất với 40% công nhân. Hiện nay, đối tác quốc tế có nhu cầu cao, nhà máy muốn tăng công suất nhưng rất khó bởi diện tích đáp ứng 3 tại chỗ chỉ được một nửa tổng số công nhân của nhà máy.
"Với số lao động 3 tại chỗ hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể đáp ứng 40% đơn hàng. Nếu các tỉnh mở cửa trở lại, nhà máy cần 100% số lượng công nhân và tăng ca thêm 2 tiếng/ngày mới có thể đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu", ông Việt nói.
Hiện nay, công nhân của VitaJean đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có nhu cầu đến nhà máy làm việc nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng 3 tại chỗ quá 50% số công nhân.
Bên cạnh đó, dù công nhân có thẻ xanh vắc xin nhưng các phường, xã không cho công nhân ra khỏi địa bàn. Công nhân muốn đến nhà máy để làm việc để tăng thu nhập, họ không muốn ở nhà trông chờ gói an sinh hay số tiền hỗ trợ của công ty. Cả công nhân và doanh nghiệp đều "lực bất tòng tâm".
Do đó, ông Việt cho rằng: "Khi chúng ta xác định sống chung với COVID-19 thì cần linh hoạt vấn đề 3 tại chỗ, lưu thông thẻ xanh…
Nhiều ngành không riêng dệt may, nếu không hoạt động trở lại sớm sẽ mất đơn hàng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Chúng ta sẽ mất cả hai mục tiêu, dịch chưa kiểm soát được và ảnh hưởng đến nền kinh tế nếu doanh nghiệp không đủ sức chống đỡ".
Do đó, Chính phủ và địa phương cần trao quyền cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp quản lý F0, F1, chăm lo đời sống và sức khỏe của người lao động dưới sự giám sát của cơ quan y tế. Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm đưa, đón công nhân đến nơi làm việc và đảm bảo an toàn chống dịch.
Trong bối cảnh 3 tại chỗ, các doanh nghiệp dệt may không thiếu lao động nhưng nếu doanh nghiệp ở TP HCM hoạt động "bình thường mới" thì nguy cơ thiếu lao động cục bộ rất cao.
Bởi 30% công nhân đã rời TP, nếu các gói an sinh thứ 3 của Chính phủ không kịp về với người lao động, công nhân sẽ tìm mọi cách để về quê.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, ông Việt cho rằng doanh nghiệp mong muốn được Chính phủ đầu tư công nghiệp hỗ trợ theo công nghệ 4.0, vừa đáp ứng giảm lao động, hạn chế tiếp xúc, vừa đảm bảo tiến độ sản xuất, giao hàng xuất khẩu. Đồng thời giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận.
"Đầu tư công nghệ cao để giải quyết vấn đề đứt gãy lao động ban đầu có vốn lớn nhưng khấu hao tốt. Chỉ cần Nhà nước có cơ chế, Ngân hàng sẽ chính sách phù hợp.
Còn những hỗ trợ trong Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ mang tính chữa cháy, doanh nghiệp chưa nắm thế chủ động và phát triển", ông Việt nói.