Doanh nghiệp dệt may niêm yết đầu tiên báo lỗ vì 'ba tại chỗ', nguy cơ thiếu lượng lớn lao động
CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với doanh thu đạt hơn 106 triệu USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 5,5 triệu USD, giảm 24%.
Như vậy sau 8 tháng, TCM đã thực hiện 59,1% kế hoạch doanh thu và 44,4% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Riêng tháng 8, doanh thu đạt 10,5 triệu USD, trong đó các sản phẩm may mặc chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 11% tổng doanh thu.
TCM cho biết trong tháng 8, do tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức "ba tại chỗ" cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và công ty chịu lỗ hơn 282.000 USD trong tháng này.
Về tình hình xuất khẩu trong tháng 8, nhu cầu mua sắm mạnh diễn ra tại thị trường Mỹ và EU sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Thị trường Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 32% tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 28%, Nhật và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo với tỷ lệ 12%.
Đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu lao động
Về tình hình đơn hàng, hiện công ty đã nhận đơn hàng đến cuối năm và quý I/2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, dù công ty tổ chức làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.
TCM cho biết đã và đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất những đơn hàng của quý I và những quý tiếp theo của năm sau.
Theo báo cáo của TCM, những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch COVID-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may. Hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện "ba tại chỗ".
Các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Mỹ, EU. Song ngành dệt may đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi nhiều công nhân từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã ồ ạt về quê tránh dịch, trước mắt là thách thức lớn cho ngành trong quý III này.
Đến khi vận hành sản xuất trở lại, ngành dệt may chỉ có thể gọi lại được 60% trong số đó, nên chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động trong thời gian tới.
Ngoài ra, mối lo lắng khác của doanh nghiệp dệt may là nhận thấy khả năng sản xuất không ổn định ở Việt Nam, đối tác sẽ dịch chuyển đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất trong những năm tiếp theo.
Trong một tháng trở lại đây, giá cổ phiếu TCM lao dốc từ 84.000 đồng/cp về vùng 66.200 đồng/cp chốt phiên 15/9.