|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguồn tiền của F88 đến từ đâu?

15:11 | 07/03/2023
Chia sẻ
Huy động từ các quỹ đầu tư nước ngoài và phát hành trái phiếu là cách F88 có tiền để cho vay.

Thương hiệu F88 ra đời từ năm 2013. Ở thời điểm mới ra mắt, cái tên F88 hoạt động như một chuỗi cầm đồ, cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản. Về sau, F88 mở rộng kinh doanh thêm các dịch vụ như bảo hiểm, dịch vụ thu hộ, chi hộ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, nạp rút tiền ví điện tử…

Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, CTCP Kinh doanh F88 được đăng ký thành lập từ 2016, vốn điều lệ hiện có gần 567 tỷ đồng với người đại diện pháp luật là ông Phùng Anh Tuấn.

Trước đó, năm 2015, ông Phùng Anh Tuấn cũng đã thành lập CTCP Đầu tư F88 với vốn điều lệ gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Phùng Anh Tuấn cũng là người đại diện pháp luật cho CTCP FFintech, được thành lập vào năm 2018.

Ngày 2/3, Lễ ký kết và công bố khoản đầu tư Series C giữa F88 với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). (Ảnh: F88)

Kể từ khi thành lập, F88 liên tục thu hút sự chú ý của dòng vốn ngoại đến từ các quỹ đầu tư. Trong giai đoạn 2017-2018, F88 đã thành công trong việc gọi vốn từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III (thuộc Công ty quản lí quỹ Mekong Capital) cho vòng gọi vốn serie A.

Tiếp theo đó là vòng serie B từ Quỹ Granite Oak - một quỹ đầu tư đến từ châu Âu. Con số huy động không được tiết lộ nhưng ở thời điểm đó, F88 được định giá gần 1.000 tỷ đồng (43,5 triệu USD).

Năm ngoái, chuỗi cầm đồ này tiếp tục được các tổ chức tài chính từ châu Á đến châu Âu "rót tiền". Tháng 11/2022, F88 thông báo đã thành công trong việc huy động khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng, từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Hong Kong) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds.

Bên cạnh đó là 10 triệu USD, tương đương 240 tỷ đồng đến từ Lendable - nền tảng Fintech cho vay ngang hàng có trụ sở tại London. Lendable cũng đã từng giải ngân khoản vay 10 triệu USD cho F88 vào đầu năm 2022. Tổng hạn mức cho vay mà Lendable cung cấp cho F88 là 20 triệu USD.

Cũng trong năm 2022, F88 được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm BBB - (Ổn định) và được Trung tâm Tài chính toàn diện (Center for Financial Inclusion) xếp hạng và cấp Chứng chỉ Bảo vệ khách hàng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2025.

Mới đây nhất, ngày 2/3, F88 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). 

Ngoài nguồn tiền từ các quỹ ngoại, theo ghi nhận, F88 cũng tích cực huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong giai đoạn này, theo dữ liệu từ HNX đã có tổng cộng 23 đợt huy động vốn của F88 qua kênh trái phiếu với tổng giá trị đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon (nhà phát hành sẽ trả lãi trên một tỷ lệ lãi suất định kỳ hàng năm dựa trên mệnh giá của trái phiếu), lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn.

Chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 thuộc CTCP Kinh doanh F88 được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép hoạt động với loại hình dịch vụ cầm đồ. Doanh nghiệp này không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.

Mục tiêu của F88 là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng phòng giao dịch của chuỗi sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD. 

Thùy Trang