|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Liên doanh vốn Nhà nước vừa rót 50 triệu USD cho chuỗi cầm đồ F88 là tổ chức nào?

11:06 | 06/03/2023
Chia sẻ
Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman, một trong hai quỹ đầu tư dẫn dắt vòng gọi vốn mới của F88 là cái tên đáng chú ý. Tổ chức đầu tư có yếu tố vốn Nhà nước đã đánh dấu lần đầu tham gia lĩnh vực tài chính.

Hôm 2/3, CTCP Đầu tư F88 (F88) thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư dẫn đầu vòng này là Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Trong số nhà đầu tư mới của F88, cái tên Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman thu hút sự chú ý. Đây là đơn vị liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). VOI được thành lập từ năm 2008, hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước.

 CTCP Đầu tư F88 vừa nhận khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn mới. (Ảnh: F88).

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2006.

SCIC ra đời nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ quyết định hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn.

Tại SCIC, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông-nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các khu vực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. SCIC cũng tham gia hoạt động quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman.

Tập trung vào các lĩnh vực dân sinh

Ở thời điểm thành lập, năm 2009, VOI sở hữu số vốn đầu tư là 100 triệu USD. Sau đó, VOI đã tăng vốn lên 200 triệu USD vào năm 2014. Tại Việt Nam, VOI chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích.

Trong 14 năm hoạt động tại Việt Nam, quỹ đã rót hơn 300 triệu USD vào các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, thủy điện và các dự án xử lý nước sạch tại Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT của Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman, Sheikh Nasser Al Harthy từng nhấn mạnh, khoản đầu tư của VOI tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Theo một công bố của VOI, quỹ này đã tham gia vào khoảng 20 thương vụ đầu tư. Khoản đầu tư vào nhà máy năng lượng tái tạo ở Long An do Copper Mountain Energy (CME) vận hành là thương vụ tự hào nhất của quỹ đầu tư này. 

Được thành lập vào năm 2018, Copper Mountain Energy là công ty chuyên đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. CME đã đầu tư, xây dựng và vận hành hai nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Long An, gồm BGC-CME Long An (40.5 MWp) và BGC-CME GAIA (100.5 MWp).

Đây là những nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An. Hai nhà máy đạt tổng công suất lắp đặt lên tới 140.5 MWp, sản lượng 220.000 MWh/năm. Tổng mức đầu tư lên tới 146 triệu USD.

 Lễ khánh thành Nhà máy năng lượng mặt trời BCG CME Long An 1. (Ảnh: Dân Trí).

Với khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, Chủ tịch HĐQT của VOI cho biết trong vòng 5 năm tới, quỹ này đặt mục tiêu đạt công suất phát điện 1GWp từ các nguồn năng lượng tái tạo, tương đương với việc giảm phát thải hơn một triệu tấn CO2 mỗi năm.

Bên cạnh năng lượng tái tạo, các khoản đầu tư vào hệ thống nước sạch của VOI đã cung cấp hàng triệu mét khối nước sạch cho hơn chục triệu người dân tại thủ đô Hà Nội, TP HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Các dự án nước sạch nổi bật của VOI gồm dự án Nhà máy nước sông Đuống ở Hà Nội, Nhà máy nước sông Hậu ở Hậu Giang, Nhà máy nước Sài Gòn và Củ Chi ở TP HCM.

Không chỉ cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân Việt Nam, quỹ đầu tư Việt Nam-Oman cũng quan tâm tới những người dân sống trong các vùng nhiễm mặn.

Nhà máy nước sông Hậu với công suất 100.000 m3/ngày do quỹ VOI rót vốn, đã trở thành nguồn cung cấp nước sạch cho các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ..., giúp ổn định an ninh nguồn nước tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhà máy nước sông Hậu cho CTCP Hậu Giang AQUA quản lý với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.900 tỷ đồng, trong đó VOI đã đầu tư 19 triệu USD. Dự án khởi công vào tháng 7/2015 và đi vào hoạt động từ tháng 12/2017. 

Năm 2020, quỹ này còn ký cam kết đầu tư dài hạn cho Dự án Khu Dược phẩm công nghệ cao TV.Pharm tại tỉnh Trà Vinh. Dự án có tổng diện tích 9,7 ha với công suất thiết kế 1,5 tỷ viên/năm, do CTCP dược phẩm TV.Pharm làm chủ đầu tư với tổng vốn ban đầu 650 tỷ đồng. 

Lần đầu tham gia vào mảng tài chính

Như đã nêu, đa phần các thương vụ đầu tư của VOI đều tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng,....

Khoản đầu tư vào F88 đánh dấu lần đầu tiên tổ chức này tham gia vào mảng tài chính với mô hình phân phối các dịch vụ tài chính toàn diện dành cho những người không có tài khoản ngân hàng hoặc không đủ điều kiện sử dụng các dịch vụ tài chính từ ngân hàng (unbank và underbank).

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư F88 cho biết, quỹ Đầu tư Chính phủ Oman rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính tại Việt Nam đặc biệt là phân khúc khách hàng unbanked (người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng) và underbanked (người chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng) giúp cho người dân ngày càng dễ dáng tiếp cận dịch vụ tài chính chất lượng.

Với 50 triệu USD vừa huy động, ông Phùng Anh Tuấn chia sẻ F88 sẽ đầu tư vào phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như phát triển đội ngũ, thu hút nhân tài. 

Doanh Chính