|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao chuỗi cầm đồ như F88 lại hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, khiến Mekong Capital phải hai lần xuống tiền?

15:20 | 09/03/2023
Chia sẻ
Trong suốt giai đoạn 2016-2021, F88 đã tăng dư nợ đến 88 lần và tăng gấp 47 lần số lượng phòng giao dịch. Năm 2021, công ty đã nhận được xếp hạng tín dụng BBB-(ổn định) từ FiinRatings.

Một cửa hàng của F88. (Ảnh: F88).

“Triển vọng ổn định của F88 vào tương lai giữ vững vị trí đầu ngành cho vay phi truyền thống khi công ty vững vàng về mặt lợi nhuận và sở hữu chất lượng tài sản tốt”, Mekong Capital nhận xét về CTCP Kinh doanh F88.

Thực tế, ngay từ năm 2017, Mekong Capital, thông qua quỹ quản lý Mekong Enterprise Fund III, đã là những đơn vị đầu tiên rót tiền vào F88 nhằm "hà hơi tiếp sức" cho các hoạt động mở chuỗi của công ty này. 

Gói đầu tư không được tiết lộ về giá trị, song quá trình mở chuỗi của F88 đột ngột trở nên “thần tốc” sau khi nhận những đồng tiền đầu tư từ Mekong Capital. Bằng chứng là trong suốt giai đoạn 2013 - 2017, công ty chỉ mở vỏn vẹn được 11 cửa hàng, tức trung bình mỗi năm mở mới hai cửa hàng.

Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, F88 đã cán mốc 304 phòng giao dịch, sớm hơn một năm so với tầm nhìn đã cam kết trước đó. F88 đạt 830 phòng giao dịch phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam tính đến hết 28/2/2023. Quỹ đầu tư do Chủ tịch Chris Freund đứng đầu cho biết số lượng phòng giao dịch của F88 đã tăng gấp 47 lần trong giai đoạn 2016 - 2021.

Theo sau Mekong Capital, tháng 6/2018, quỹ Granite Oak đến từ châu Âu đã rót vốn vào F88, con số cũng không được công khai. Tại thời điểm đó, F88 được định giá gần 43,5 triệu USD.

 

Dòng tiền của các nhà đầu tư

Giai đoạn từ 2018 đến 2021, quỹ ngoại đầu tư vào F88 dừng lại ở con số hai. Song không vì thế dòng tiền đầu tư ngừng chảy vào công ty này. Bắt đầu từ 2019, F88 sử dụng đến kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Năm 2020, F88 đã ba lần phát hành trái phiếu tổng giá trị 400 tỷ đồng, lãi suất dao động 12,5% một năm. Năm 2021, F88 phát hành 9 lô trái phiếu và năm 2022 là 11 lô. Như vậy, nếu gộp cả năm 2019, chuỗi cầm đồ này đã có tổng cộng 24 đợt phát hành trái phiếu, tổng giá trị gần 2.800 tỷ đồng.

Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon (nhà phát hành sẽ trả lãi trên một tỷ lệ lãi suất định kỳ hàng năm dựa trên mệnh giá của trái phiếu), lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn.

Đối tượng mua trái phiếu F88 chủ yếu là tổ chức/cá nhân trong nước. F88 cho biết số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu dùng để sử dụng cho hoạt động kinh doanh - cho vay cầm cố, mở rộng hệ thống cửa hàng và chi trả lương thưởng cho cán bộ nhân viên.

Đến giai đoạn năm 2022 - 2023, dòng tiền quỹ ngoại tiếp tục chảy vào chuỗi cho vay cầm cố này khi ngày 11/11/2022, F88 cho biết họ đã huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD, từ quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và thêm 10 triệu USD từ Lendable. 

Trước đó đầu năm 2022, Lendable cũng đã cho F88 vay 10 triệu USD. Như vậy, cả năm ngoái, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ hai tổ chức tài chính quốc tế tại châu Á và châu Âu.

Đầu năm nay, F88 tiếp tục nhận được sự quan tâm của quỹ ngoại khi huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Đây là lần thứ hai Mekong Capital rót tiền vào F88.

Nhà đầu tư thấy gì từ F88?

Với hoạt động kinh doanh chính là cho vay cầm cố, năm 2020 - thời điểm gần nhất F88 công khai kết quả kinh doanh, doanh nghiệp đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 169% so năm trước đó, lên gần 45 tỷ đồng. 

Tính đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của F88 đạt hơn 434 tỷ đồng, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,08% trong khi năm 2019 đạt 8,98%.

Tỷ suất sinh lời của F88 được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Báo cáo mới nhất của FiinRatings cho biết cuối quý III năm ngoái, ROE của F88 đạt 10,3%, thậm chí tổ chức đánh giá tín nhiệm này còn kỳ vọng con số ở mức cao hơn, 10,7%.

Trong ba quý đầu năm ngoái, F88 ghi nhận tỷ suất thu nhập lãi thuần (NIM) là 36,5% (48,6% ước tính cả năm), thấp hơn một chút so với con số 51,3% của năm 2021. Với cấu trúc chi phí ổn định thể hiện qua tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ổn định ở mức xấp xỉ 78%.

 

Trong khi lợi nhuận được cải thiện thì doanh thu của F88 cũng được đa dạng hóa nhờ vào đóng góp ngày càng tăng của thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là đến từ kinh doanh bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, doanh thu từ bảo hiểm ghi nhận 217,5 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng doanh thu. Đặc biệt, 42% hợp đồng bảo hiểm được bán độc lập với các khoản cho vay. 

Đây được đánh giá là một nguồn thu nhập tiềm năng cho F88 trong môi trường lãi suất cao hiện nay, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cho vay của công ty. Các dịch vụ bảo hiểm của F88 cũng đa dạng về điều khoản và loại bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cộ, tài sản đến bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ…

Ở lĩnh vực kinh doanh chính là cho vay cầm cố, F88 vẫn giữ vị thế hàng đầu dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ vượt trội của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay. 

Trong năm ngoái, F88 đã mở 211 cửa hàng mới, nâng tổng số cửa hàng lên 830 cửa hàng tính đến thời điểm hiện tại. Tính đến quý III/2022, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh của F88 là 3.357,5 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). 

Các chỉ số tài chính thuận lợi đã giúp F88 cải thiện khả năng huy động vốn của mình, bằng chứng là từ đầu năm ngoái đến nay, công ty liên tục nhận được các khoản vay triệu đô như đã nói ở trên. 

Ngoài quỹ ngoại, theo FiinRatings, trong năm ngoái, F88 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho một khoản vay bốn năm với hạn mức tương tự CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) để kéo dài kỳ hạn cho khoản vay hiện tại. 

Đối với nguồn vốn ngoại bảng, hạn mức với CIMB đã được tăng lên 60 triệu USD, hơn 40% so với hạn mức 1.000 tỷ đồng trước đó. Ngoài ra, F88 đang làm việc với CIMB để tăng hạn mức lên 125 triệu USD (3.000 tỷ đồng) trong năm 2023 và cũng đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng khác để xây dựng các nguồn vốn ngoại bảng tương tự. 

Theo báo cáo từ FiinRatings, tính đến quý III năm ngoái, mức đòn bẩy tài chính tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của F88 ở mức an toàn 4,2 lần, dưới giới hạn mà các tổ chức cho vay nước ngoài yêu cầu là 5 lần.

Sức hấp dẫn của F88 còn đến từ mô hình kinh doanh. Khi công ty này tiếp cận đối tượng khách hàng cho vay là những người dưới chuẩn ngân hàng, khó tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống.

Theo một báo cáo của Merchant Machine năm 2021, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng thấp nhất thế giới. 

Có tới 69% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Có tới 26% các giao dịch bằng tiền mặt trong khi tỉ lệ phổ cập Internet của người dân Việt Nam lên tới 66%.

Do đó, lĩnh vực kinh doanh của F88 được coi là tiềm năng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. 

Đức Huy