|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung cạn dần, giá cà phê trong nước tiến sát mức đỉnh lịch sử

07:00 | 15/07/2024
Chia sẻ
Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra vào tháng 11 năm nay. Tại trong nước, giá cà phê đang tiến sát mức đỉnh lịch sử đạt được vào cuối tháng 4.

Nguồn cung xuất khẩu đã cạn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý II vừa qua đã giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 308.124 tấn. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng 8,5% lên 1,26 tỷ USD nhờ giá bán tăng cao.

Tính chung trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 893.820 tấn với giá trị kim ngạch thu về 3,19 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 11,4% về lượng nhưng kim ngạch lại tăng mạnh 33,2%.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, tương đương 86% sản lượng vào khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra vào tháng 11 năm nay.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan 

Trong quý II, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 4.103 USD/tấn, tăng 24,7% so với quý I và tăng 60,4% so với quý II/2023. Tính riêng trong tháng 6, giá mặt hàng này đạt kỷ lục 4.593 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 71,2% (hơn 1.900 USD/tấn) so với cùng kỳ.

Về thị trường, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm gần 40% về lượng và 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng, đạt 353.468 tấn với kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 40,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai với khối lượng đạt 63.127 tấn, trị giá 238,8 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 47,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác trong khu vực châu Á như Indonesia, Philippin, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay. Ngược lại, Mỹ, Nga, Algeria, Anh… lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan 

Giá cà phê trong nước tiến sát mốc đỉnh lịch sử

Những lo ngại dai dẳng về nguồn cung tiếp tục đẩy giá cà phê trong nước và thế giới tăng cao trong thời gian gần đây.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê robusta nhân xô tại khu vực Tây Nguyên chạm ngưỡng gần 130.000 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 13/7, tăng 6 - 7% so với cách đây một tháng và tiến sát mức đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg được thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp 

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch London đạt mức cao kỷ lục 4.634 USD/tấn vào ngày 10/7, sau đó điều chỉnh về mức 4.617 USD/tấn trong phiên giao dịch 13/7. Mức giá này tăng 10% do với một tháng trước và tăng 55% so với đầu năm.

Giá cà phê arabica giao giao cùng kỳ hạn trên sàn NewYork cũng tăng 15,2% so với tháng trước lên 248,75 US cent/pound, mức cao nhất trong gần hai năm rưỡi.

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết yếu tố thời tiết không thuận lợi kết hợp với sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ sẽ làm giảm sản lượng vụ robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15 - 20%.

Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê robusta vụ 2023-2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024-2025 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,4 - 22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Volcafé trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao.

Trong khi đó, hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).

EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.

Còn tại Brazil, thời tiết khô hạn với lượng mưa thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa ở các khu vực sản xuất làm gia tăng những lo ngại, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch, vốn đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Safras & Mercado dự báo sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2024-2025 ở mức 69,5 triệu bao, nhưng ước tính này rất có thể sẽ bị cắt giảm do ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ mùa cà phê của Brazil sẽ thấp hơn dự kiến, đối với cả cà phê arabica và robusta.

Mặc dù vậy, theo báo cáo mới đây của USDA, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ tăng 7,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 176,2 triệu bao, chủ yếu do sản lượng cao hơn từ Brazil và sự hồi phục ở Indonesia sau mùa vụ ảm đạm hồi năm ngoái.

Với nguồn cung được bổ sung, xuất khẩu cà phê toàn cầu dự kiến tăng 3,6 triệu bao lên 123,1 triệu bao. Đồng thời, mức tiêu thụ cà phê được dự báo tăng 3,1 triệu bao lên 170,6 triệu bao.

Với dự báo này, USDA ước tính tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 đạt 25,8 triệu bao, tăng từ mức thấp nhất trong 5 năm là 23,9 triệu bao của niên vụ 2023-2024. Qua đó chấm dứt chuỗi 3 năm sụt giảm liên tiếp.

Sản xuất cà phê toàn cầu chủ yếu đến từ các quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới, trong khi phần lớn lượng tiêu thụ diễn ra ở Bắc bán cầu với Mỹ và Liên minh châu Âu là điểm đến chính. 

Với Việt Nam, sản lượng cà phê được dự báo gần như không thay đổi ở mức 29 triệu bao, với hơn 95% tổng sản lượng là cà phê robusta. Mùa mưa đến muộn hơn và nhiệt độ trên trung bình được ghi nhận ở nhiều khu vực sản xuất đã ảnh hưởng xấu đến năng suất. Điều kiện tương tự đã làm giảm năng suất và sản lượng của 2 vụ thu hoạch trước.

Xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo sẽ giảm gần 500.000 bao xuống còn 24,4 triệu bao do tổng nguồn cung giảm và tiêu dùng nội địa tăng.

Vụ thu hoạch của Brazil được dự báo tăng 3,6 triệu bao lên 69,9 triệu bao vào niên vụ 2024-2025. Trong đó, sản lượng cà phê arabica được dự báo sẽ tăng 3,3 triệu bao lên 48,2 triệu bao và vụ thu hoạch cà phê robusta dự kiến ​​sẽ tăng trở lại 300.000 bao lên 21,7 triệu bao.

Nhiệt độ cao vào cuối năm 2023 đã khiến một số vườn bị rụng quả trong giai đoạn kết trái, nhưng lượng mưa thích hợp sau đó đã tạo điều kiện lý tưởng cho giai đoạn phát triển quả cuối cùng và năng suất được tăng lên.

Với nguồn cung cao hơn, xuất khẩu cà phê nhân của Brazil được USDA dự báo tăng 1 triệu bao lên 42,5 triệu bao và tồn kho cuối kỳ dự kiến ​​sẽ tăng gần 700.000 bao lên 3,5 triệu bao.

USDA cũng dự báo sản lượng cà phê sẽ tăng ở một số quốc gia khác như Colombia, Indonesia, khu vực Trung Mỹ và Mexico..., riêng Ấn Độ dự kiến giảm nhẹ.

Nhập khẩu của Liên minh châu Âu được dự báo tăng 2 triệu bao lên 47,5 triệu bao do xuất khẩu cao hơn từ Brazil và Indonesia. 

Nhập khẩu  cà phê của Mỹ, nhà tiêu dùng lớn thứ hai cũng được dự báo sẽ tăng 900.000 bao lên 24,5 triệu bao do mức tiêu thụ tăng. 

Hoàng Hiệp

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.