ICO: Giá cà phê thế giới trở lại mức đỉnh của 13 năm
Giá cà phê tăng trở lại mức đỉnh của 13 năm
Giá cà phê thế giới được tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt bình quân 226,8 US cent/pound trong tháng 6, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng tới 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất đạt được trong 13 năm qua.
Đà tăng giá này chủ yếu là do những lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là khả năng về một mùa vụ không tốt tại Việt Nam và Indonesia trong niên vụ cà phê 2024-2025. Bên cạnh đó, sản lượng của Brazil có thể thấp hơn dự kiến trong niên vụ 2024-2025, đang gây áp lực lên thị trường.
Trong tháng vừa qua, robusta là nhóm cà phê có biến động giá mạnh nhất khi tăng tới 10,5% so với tháng trước, lên mức bình quân 204,3 US cent/pound.
Tiếp đến là arabica Brazil tăng 9,3% lên 229,2 US cent/pound. Ngoài ra, giá cà phê arabica Colombia và arabica khác cũng tăng 7,2% và 7%, đạt lần lượt 250,4 và 248,4 US cent/pound.
Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2024 (ĐVT: US cent/pound)
Trên thị trường kỳ hạn London, giá cà phê robusta tại sàn ICE tăng 10,7% lên mức 182,8 US cent/pound. Trong khi arabica trên thị trường kỳ hạn New York tăng 8,4% lên 226,4 US cent/pound.
Chênh lệch giá cà phê trên thị trường kỳ hạn New York và London theo đó giảm nhẹ 0,3% xuống còn 43,6 US cent/pound trong tháng 6.
Tính đến cuối tháng 6, tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên cả hai sàn giao dịch tiếp tục tăng so với tháng trước. Trong đó, tồn kho robusta tăng 24,3% lên 0,97 triệu bao (loại 60 kg/bao), tồn kho arabica tăng 2,8% lên 0,86 triệu bao.
Mặc dù tăng trở lại nhưng lượng tồn kho hiện tại vẫn thấp hơn mức 1,85 triệu bao đạt được vào tháng 6/2023.
Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến tháng 5/2024
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 8 tháng liên tiếp
ICO cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 5 đạt 11,8 triệu bao, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 8 liên tiếp kể từ đầu niên vụ đến nay.
Tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 92,7 triệu bao, tăng 10,9% tương đương 9,1 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong đó, cà phê nhân xanh tăng 12% trong tháng 5 lên gần 10,8 triệu bao và chiếm 91,3% thương mại cà phê toàn cầu. Lũy kế sau 8 tháng đầu niên vụ hiện tại đạt 84 triệu bao, tăng 11,6% so với niên vụ trước.
Arabica Brazill là động lực tăng trưởng chính của thương mại cà phê nhân toàn cầu, với xuất khẩu tăng tới 56,1% trong tháng 5 và tăng 24,8% sau 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng hơn 29 triệu bao. Riêng Brazil - nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 3,1 triệu bao arabica trong tháng 5, tăng mạnh 59,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê arabica Colombia cũng tăng 10% trong tháng 5 và 10,6% sau 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, đạt 8,1 triệu bao. Nước sản xuất và xuất khẩu chính của nhóm cà phê này là Colombia đã xuất khẩu 0,9 triệu bao trong tháng 5 và tổng cộng hơn 7,8 triệu bao sau 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024, tăng lần lượt là 10,6% và 9,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2023-2024 ước tính tăng 18% so với niên vụ trước lên 12,5 triệu bao. Điều kiện thời tiết thuận lợi giúp cho sản lượng cà phê của Colombia phục hồi một cách tích cực và thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù vậy, khối lượng xuất khẩu của Colombia vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình gần 8,6 triệu tấn trong 8 tháng đầu niên vụ 2017-2018 đến 2021-2022.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 5, ĐVT: Triệu bao)
Với nhóm cà phê arabica khác, xuất khẩu ghi nhận mức tăng nhẹ 1,2% trong tháng 5 và tăng 0,7% sau 5 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt 14,4 triệu bao.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 5 giảm 13,4% xuống còn 3,4 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu chủng loại này vẫn tăng 6,8% trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt 32,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam, nước sản và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới đã giảm tới 46,8% xuống chỉ còn 1,3 triệu bao trong tháng 5.
Sự sụt giảm từ Việt Nam đã tác động mạnh đến xuất khẩu cà phê robusta toàn cầu, mặc dù khối lượng bán ra của Brazil trong tháng vừa qua tiếp tục tăng tới 248,2% lên hơn 1 triệu bao. Tính từ đầu niên vụ đến nay, xuất khẩu cà phê robusta của Brazil đã đạt gần 5,5 triệu bao, mức cao nhất ghi nhận được của nước này.
Xuất khẩu cà phê hòa tan cũng giảm 11,3% trong tháng 5 nhưng tăng 5,1% trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 8,2 triệu bao.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu là 8,9%, giảm so với mức 9,4% cùng kỳ năm trước. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất, với gần 0,4 triệu bao trong tháng 5.
Trong khi đó, lượng cà phê đã rang xuất khẩu tăng 29,8% trong tháng 5 và tăng nhẹ lên mức 0,48 triệu bao sau 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, so với 0,46 triệu bao cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024