Xuất khẩu cà phê Brazil tăng gần 80% trong khi Việt Nam ghi nhận 4 tháng giảm liên tiếp
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 5, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ tiếp tục tăng mạnh 59,6% lên 5,5 triệu bao. Qua đó đưa tổng xuất khẩu của khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 lên mức 44,3 triệu bao, tăng 33,7% so với cùng kỳ 2022-2023.
Đà tăng trưởng tích cực này đến từ Brazil, nơi chứng kiến xuất khẩu tăng tới 79,1% lên mức kỷ lục mới là 4,4 triệu bao vào tháng 5.
Theo ICO, đà tăng mạnh mẽ của khu vực Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng chủ yếu là do vụ thu hoạch bội thu của Brazil trong niên vụ 2022-2023 và 2023-2024, với sản lượng ước tính tăng lần lượt 8,4% và 9,2%.
Bên cạnh đó, sản lượng robusta từ Việt Nam và Indonesia giảm đã mở ra cơ hội lớn cho Brazil đẩy mạnh xuất khẩu và lấp đầy khoảng trống nhu cầu của thị trường.
Trái ngược với khu vực Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê các loại từ châu Á và châu Đại Dương đã giảm mạnh 39,3% xuống còn 2,4 triệu bao trong tháng 5. Tổng cộng xuất khẩu của khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ đã giảm 7,2% xuống còn 29,9 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực, giảm 46,9% xuống còn 1,36 triệu bao trong tháng 5. Đây đã là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp và tháng thứ 6 kể từ đầu niên vụ đến nay.
Kết quả là tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ đạt 20,28 triệu bao, giảm 6,6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Sự sụt giảm mạnh này chủ yếu là do tồn kho trong nước gần như đã cạn kiệt, trong khi vẫn còn khoảng hơn 3 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch 2024-2025.
Tương tự, xuất khẩu cà phê của Indonesia trong tháng 5 đã giảm tới 67,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 0,2 triệu bao. Lượng xuất khẩu thấp là do sản lượng cà phê nước này trong niên vụ 2023-2024 ước tính giảm xuống còn 10 triệu bao từ mức gần 12 triệu bao của niên vụ cà phê trước.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024
Xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi tăng mạnh 44,8% trong tháng 5 và tăng 10,9% sau 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt 9,3 triệu bao. Bờ Biển Ngà, Ethiopia và Uganda là động lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực trong tháng 5, với lượng xuất khẩu tăng lần lượt là 119,4%, 97,1% và 22,1%.
Uganda hiện đang bước vào vụ thu hoạch chính, trong khi sản lượng của Ethiopia phục hồi trở lại sau khi sụt giảm vào niên vụ trước.
Còn tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu của khu vực tăng nhẹ 0,2% trong tháng 5 nhưng giảm 6,4% sau 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuống còn 9,2 triệu bao.
Trong tháng 5, xuất khẩu của khu vực ghi nhận mức tăng trưởng tích cực ở Guatemala (+21%) và Mexico (+25,2%), nhưng giảm ở El Salvador (-11,8%), Honduras (-6,4%) và Nicaragua (-24,6%).
Xuất khẩu từ Honduras tiếp tục bị cản trở bởi sản lượng giảm theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần, trong khi Nicaragua vẫn đang nỗ lực vượt qua hậu quả từ vụ phá sản của Mercon Coffee Group, một công ty kinh doanh cà phê và là chủ sở hữu của CISA Exportadora, chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng cà phê xuất khẩu của Nicaragua.
Còn với Mexico, phần lớn mức tăng xuất khẩu trong tháng 5 đến từ cà phê hòa tan, với mức tăng 61,7% lên 0,13 triệu bao.