Nguồn cung bất động sản vẫn chủ yếu ở phân khúc 'đắt tiền'
Trong 3 quý đầu của năm 2023, nguồn cung bất động sản có xu hướng giảm rõ rệt. Đáng chú ý, nuồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Đây là thông tin được ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục phát triển Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở diễn ra ngày 13/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sự kiện này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức. Đây cũng là lần thứ 2 trong năm cả 2 cơ quan này cùng tổ chức hội nghị để tháo gỡ tổng thể khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng khẳng định, tỷ lệ giao dịch bất động sản hiện vẫn giảm mạnh so với các năm gần đây, khoảng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021 và 2022, đặc biệt là về phân khúc bất động sản nhà ở.
Nguồn cung tiếp tục xu hướng giảm dần, nhất là số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước. Theo ông Hoàng Hải, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án bất động sản đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung sụt giảm; cơ cấu sản phẩm nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp.
Số dự án triển khai xây dựng trong quý III là 863 dự án, tương đương 442.453 căn. Con số này tăng 123.64% so với quý I nhưng vẫn giảm hơn 87% so với quý II. Trong số đó, chỉ có 15 dự án được cấp phép mới, tương đương 3.028 căn hộ, giảm 88,24% so với quý I. Cùng đó là 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với khoảng 8.208 căn, giảm hơn 90% so với quý I và 92% so với quý II.
Do có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư, được triển khai xây dựng tăng lên so với quý đầu của năm. Nhưng số lượng dự án bất động sản đang triển khai xây dựng giảm so với quý trước đó là do nhiều dự án quy mô nhỏ đã được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để tránh việc chậm bàn giao nhà và gia tăng nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính còn phải đóng theo hợp đồng mua bán của khách hàng. Nhiều chủ đầu tư dự án đã đẩy nhanh về tiến độ để hoàn thiện sản phẩm bắt đầu từ đầu quý III/2023.
Về nhà ở xã hội, lũy kế giai đoạn 2021- 2025, tính đến nay trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án với quy mô 412.845 căn đã hoàn thành và đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Số liệu trên cho thấy nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân còn hạn chế so với nhu cầu thực tế - ông Hoàng Hải thông tin. Để đạt mục tiêu của Đề án đến năm 2025, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết tâm hơn nữa, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy hoàn thành các dự án đang triển khai xây dựng…
Nội bật trong 3 quý vừa qua là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường bất động sản. Mục tiêu là đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, lãi xuất tín dụng, thuế, phí, thủ tục hành chính.
Do đó, đã có nhiều chính sách mới được ban hành gồm: 3 Nghị quyết của Quốc hội, 4 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng thời, phối hợp liên bộ, ngành chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn hiệu quả; rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Cùng với việc giám sát thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cũng như gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế.