|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam

09:35 | 24/03/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng đều qua các năm và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc.

Dưa hấu là loại trái cây được người Trung Quốc rất ưa chuộng, là món ăn tráng miệng phổ biến trong các bữa ăn.

Dưa hấu tại Trung Quốc được trồng nhiều tại hai khu vực Đồng bằng châu thổ của sông Dương Tử - Hoa Đông (bao gồm các địa phương Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang, Sơn Đông, An Huy, Giang Tây, và Phúc Kiến) và khu vực các tỉnh miền Trung, Nam Trung Quốc (gồm Hà Nam, Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam).

Theo phê chuẩn đợt đầu năm 1995 của Quốc Vụ viện Trung Quốc thì huyện Đông Minh, tỉnh Sơn Đông là "quê hương của dưa hấu" Trung Quốc.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hiện diện tích trồng của hai khu vực này chiếm tới 70% diện tích trồng của Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng tăng dần diện tích trồng dưa hấu, đạt 1,84 triệu ha năm 2015. Căn cứ Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng khoảng 1% diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới (tương đương 2,2 triệu ha).

Xu hướng sản xuất hiện nay của Trung Quốc là giảm khu vực trồng dưa nhỏ lẻ, phát triển những vùng trồng lớn có điều kiện tự nhiên phù hợp đối với loại nông sản có tính mùa vụ cao.

Trung Quốc là quốc gia có sản lượng dưa hấu lớn nhất thế giới. Cùng với diện tích tăng, sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc tăng đều trong các năm gần đây, từ 72 triệu tấn năm 2013 lên 77,5 triệu tấn năm 2016.

Mùa vụ thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8, tháng 9 hàng năm (lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam). Hải Nam là địa phương vào vụ dưa sớm nhất, tiếp đó là Quảng Tây, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông…

Trước đây, người Trung Quốc thường ưa dùng dưa hấu trong mùa hè để thanh độc giải nhiệt, song ngày nay để đa dạng hóa thức ăn hoa quả, người Trung Quốc (nhất là người miền Bắc) thường thích dùng dưa hấu trong thời gian cận Tết.

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 1.

Dưa hấu ngoài ăn tráng miệng còn dùng làm nước ép, kem, sinh tố. (Ảnh minh họa, nguồn: redbookmag)

Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu này và nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, một số năm trở lại đây các hộ nông dân/doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng trồng dưa trái vụ và đồng loạt xuống giống với diện tích lớn, mục tiêu nhắm vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán hoặc đầu tư thuê đất trồng/hợp tác cung cấp giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân một số nước láng giềng phía Nam – nơi có khí hậu phù hợp trồng dưa hấu cung ứng như Myanmar, Lào để trồng dưa hấu xuất khẩu vào Trung Quốc.

Thói quen tiêu dùng người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chọn trái dưa nhỏ vừa phải trọng lượng từ 3 – 4 kg/quả vừa để bày đĩa trong bữa ăn.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài 201,4 nghìn tấn với kim ngạch 32,2 triệu USD; tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch. Tính trung bình, giá khai báo hải quan khi nhập khẩu năm 2016 là khoảng 160,5 USD/tấn.

Nhập khẩu dưa hấu từ Việt Nam chiếm tới 94% về lượng và 97% về giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ thế giới.

Theo thống kê của hải quan Việt Nam, năm 2016, xuất khẩu dưa hấu đạt 238.363 tấn, kim ngạch đạt 106,32 triệu USD, tăng 651,1% về lượng và tăng 543,1% về kim ngạch năm 2015.

Tình hình xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc, theo thống kê của Trademap, giai đoạn 2013 - 2015 tăng đều qua các năm và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc.

Năm 2016, theo thống kê của các địa phương biên giới Việt Nam, xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc đạt 238 nghìn tấn với giá trị 105,8 triệu USD.

Dưa hấu của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài vào Trung Quốc và thường được làm thủ tục nhập khẩu theo hình thức là sản phẩm mua bán trao đổi của cư dân biên giới và được miễn thuế nhập khẩu. Các cửa khẩu nhập chính khác còn có Lào Cai – Hà Khẩu và Móng Cái – Đông Hưng…

Xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc giai đoạn 2013 – 2015

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 2.

(Đvt: Triệu USD)

Tình hình sản xuất, xuất khẩu dưa hấu vào Trung Quốc

Tổng diện tích trồng dưa hấu cả nước mỗi năm khoảng 55.000 ha.

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 3.

Diện tích trồng dưa hấu cả nước. Đvt: nghìn ha. (Biểu đồ: TV)

Trong đó phía Bắc 15.000 ha, tập trung chủ yếu tại Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Hòa Bình trong vụ Xuân. Còn lại các tỉnh mỗi tỉnh từ vài trăm đến một nghìn ha.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ trồng khoảng 15.000 ha, tập trung tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng.

Các tỉnh miền Nam khoảng 25.000 ha, tập trung tại Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ.

Chính sách xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, dưa hấu là mặt hàng nông sản khi xuất khẩu thuộc đối tượng không phải chịu thuế VAT và được hưởng mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. 

Các doanh nghiệp khi xuất khẩu dưa hấu chỉ phải nộp lệ phí hải quan theo quy định và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật của bên nhập khẩu. 

Quy định của Việt Nam được áp dụng đối với cả hai trường hợp xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch.

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 4.

Sơ đồ chuỗi cung ứng dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính sách thương mại đối với dưa hấu của Trung Quốc

Hiện nay, phía Trung Quốc chỉ quy định về hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch mà không có quy định về hình thức xuất nhập khẩu tiểu ngạch như ở Việt Nam.

Đối với hình thức xuất khẩu chính ngạch: Thực hiện chính sách quy hoạch, phát triển kinh tế vùng cửa khẩu biên giới, Trung Quốc giao cho các tỉnh, khu tự trị tự cân đối và áp dụng chính sách thuế một cách linh hoạt để điều tiết lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 5.

(Nguồn: freepik)

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đây là cửa khẩu quốc gia của Trung Quốc, hàng hóa giao dịch qua thực hiện theo Luật Ngoại thương. 

Trước đây, dưa hấu xuất qua cửa khẩu này phải chịu thuế nhập khẩu và VAT, toàn bộ thuế nhập khẩu chuyển về Trung ương. Đối với cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây) là cửa khẩu của địa phương tỉnh Quảng Tây, được áp dụng cơ chế riêng; theo đó thuế trái cây giảm 50% và để lại cho tỉn. Do vậy, Quảng Tây khuyến khích giao dịch ngoại thương biên giới qua cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài.

Theo lộ trình giảm thuế trong Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, hiện dưa hấu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc áp dụng mức thuế nhập khẩu là 0% (nếu hoàn tất thủ tục hồ sơ, trong đó có Giấy Chứng nhận xuất xứ theo mẫu quy định - C/O form E) nhưng vẫn phải chịu thuế VAT 11%.

Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây), Trung Quốc có kiểm soát số lượng doanh nghiệp, số lượng và giá cả dưa hấu nhập khẩu. Dưa hấu Việt Nam xuất qua cửa khẩu Pò Chài (Quảng Tây) theo hình thức biên mậu được áp dụng thuế nhập khẩu của Trung Quốc là 0% và miễn giảm 50% thuế VAT.

Tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam), tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp buôn bán theo hình thức biên mậu. Nếu dưa hấu xuất qua cửa khẩu Hà Khẩu theo hình thức biên mậu thì ngoài việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%, thuế VAT chỉ phải nộp là 3%; còn nếu thực hiện bằng đường chính ngạch doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế VAT 11%.

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 6.

Các bước xuất khẩu dưa hấu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Người Trung Quốc thích dưa hấu cỡ nào và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 7.

Các bước xuất khẩu dưa hấu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Cẩm nang xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc)

Hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho quả thanh long là cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc với đơn vị thực hiện là Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Chi tiết Cẩm nang xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc (bản tiếng Việt)

Ánh Dương