|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người sáng lập thương hiệu kim chi Ông Kim's: Từ rào cản sẽ tạo cơ hội

08:56 | 20/04/2019
Chia sẻ
Với sự mềm mỏng nhưng không kém phần quyết liệt, doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh đã xây dựng nên thương hiệu Kim chi làm hài lòng những ai yêu thích ẩm thực Hàn Quốc. Hiện tại, bà tiếp tục bung ra thị trường dòng sản phẩm cà phê “quý tộc”.

Khởi nghiệp bằng món ăn truyền thống của quê hương chồng mình, bà Nguyễn Thị Kim Hạnh - Giám đốc điều hành The Yellow Chair Specialty Coffee, người đồng sáng lập thương hiệu Kim chi Ông Kim’s - đã trải qua bao vất vả để đạt đến thành công. Bà từng mất sạch vốn liếng trong 5 ngày đầu bỏ mối bán hàng hay lặn lội đi gõ cửa từng siêu thị chào hàng…

Song, bằng sự thông minh và mềm dẻo của người phụ nữ, bà đã đưa thương hiệu kim chi Ông Kim’s “phủ sóng” ở tất cả các siêu thị lớn tại TPHCM. Kim chi Ông Kim’s nổi tiếng tới mức chuỗi siêu thị Aeon của Nhật Bản trước khi tiến quân vào Việt Nam 2 năm đã ký hợp đồng đặt hàng với bà.

Hơn 10 năm dày công làm nên thương hiệu kim chi nổi tiếng Ông Kim’s, đến năm 2015, bà bán lại cho CJ (một tập đoàn lớn của Hàn Quốc) với giá vài triệu USD. Sau khi “gả” đứa con đầu lòng đi, bà tiếp tục dồn công sức xây dựng thương hiệu cà phê The Yellow Chair Specialty Coffee hiện nay.

Để hiểu hơn về những vất vả trên con đường khởi nghiệp cũng như chia sẻ bí quyết dành cho các Startup nữ, phóng viên Báo PNVN đã có buổi gặp gỡ với doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh.

Người sáng lập thương hiệu kim chi Ông Kims: Từ rào cản sẽ tạo cơ hội - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh - Giám đốc điều hành The Yellow Chair Specialty Coffee, người đồng sáng lập thương hiệu Kim chi Ông Kim’s

Lý do nào khiến bà lựa chọn món kim chi để khởi nghiệp?

Người Việt Nam rất thích dưa muối nhưng dưa muối của Việt Nam có nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe. Năm 2005, tôi biết được kim chi Hàn Quốc cũng là món dưa muối nhưng nó giải được bài toán cho sức khỏe vì nó lên men tự nhiên. Là phụ nữ nên các kiến thức liên quan đến thực phẩm mình hay mang chia sẻ cho bạn bè và được mọi người đón nhận. Từ ý niệm chia sẻ, tôi nghĩ tới việc sản xuất và bán. Món kim chi đã giải quyết rất nhiều bài toán về thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ.

Lúc đi nghiên cứu thị trường, tôi thấy món kim chi Hàn Quốc đã có trong siêu thị nhưng không đầu tư nhiều. Nên khi mình đi sau thì mình chỉn chu từ hình thức đến chất lượng, cách thiết kế bao bì bắt mắt, làm người ta tin tưởng. Và thương hiệu Kim chi Ông Kim’s ra đời.

Khó khăn của bà trong giai đoạn đầu phát triển là gì?

Lúc đầu rất khó khăn vì khi mời mua kim chi Hàn Quốc nhiều người nói “không quen ăn món này”. Hay có những khách hàng người Huế tự làm dưa muối và cho rằng mình làm ngon nhất và không bao giờ mua ở siêu thị, đó là rào cản về tâm lý.

Đặc biệt, trong vài năm đầu, chắc chắn ai cũng sẽ bị lỗ và có những lúc không có đủ tiền để trả cho nhân viên, trả cho nhà cung cấp.

Tôi nhớ có một ngày, tôi từng rơi vào thế bí khi không có tiền xoay xở. Ngày hôm đó tôi rất lo hôm sau sẽ không có nguyên liệu để sản xuất vì mình chưa có chuyển tiền cho người ta, nhà cung cấp không chuyển nguyên liệu rau, củ, quả xuống cho công ty chế biến. Công nhân sẽ không có việc, sẽ rối loạn và mất tinh thần.

Tôi chọn giải pháp san sẻ với nhân viên cái khó của công ty, nói nhẹ nhàng, bình tâm đón nhận khó khăn. Và tôi suy nghĩ tích cực hơn. Vậy là ngày hôm sau tiền được chuyển về từ những khách hàng đang nợ mình và vốn xoay vòng lại có, công việc trở lại ổn định.

Có những phép màu, là chủ doanh nghiệp mình phải cố gắng, cái gì không được thì đừng quá gồng lên, đừng làm căng thẳng mọi chuyện. Mình phải bình tĩnh và từ tốn giải quyết.

Bà nhận thấy lợi thế và điểm hạn chế của phụ nữ trên thương trường là gì?

Phụ nữ mà làm về mảng ẩm thực thì có lợi thế vì mình cũng là người nội trợ, mình hiểu khách hàng và đem cái tâm của mình ra bán hàng, đó là lợi thế nổi bật nhất.

Phụ nữ có đức tính chịu khó và chịu đựng cao. Có những khách hàng tôi phải mất 1 năm thuyết phục mới bán được hàng, như người nam giới thì họ nói 1 năm đó họ đã làm được rất nhiều việc, phụ nữ chờ đợi 1 năm vẫn được và khách hàng khi đã đồng ý hợp tác thì họ sẽ ở lại rất lâu, có khi là 10 năm, 15 năm… Cho nên sự kiên nhẫn của nữ sẽ giữ được khách hàng và tồn tại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phụ nữ không khỏi gánh nặng gia đình. Đặc biệt, khi kinh doanh, đôi lúc người phụ nữ phải trở thành một con gấu, dữ dằn trong cạnh tranh, đôi lúc stress về tài chính cho tới nhân viên… những điều đó sẽ làm giảm đi nhan sắc, trong khi công việc rất quan trọng về ngoại hình và sức khỏe.

Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các startup nữ được không?

Nữ đi bán hàng rất là dễ, nên người phụ nữ phải quan tâm về ngoại hình. Ở đây tôi không nói là phải mặc đồ hiệu, trang điểm đẹp mà từ lời ăn tiếng nói, cư xử với khách hàng đến nhân viên phải thật nhẹ nhàng. Phụ nữ nhẹ nhàng là dễ đi vào lòng người, hãy để khách hàng cảm nhận được sự chân thành bằng trái tim của bạn.

Người sáng lập thương hiệu kim chi Ông Kims: Từ rào cản sẽ tạo cơ hội - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh tham gia buổi chia sẻ cho các doanh nghiệp đang bắt đầu kinh doanh

Phụ nữ khi bước vô làm kinh doanh dễ trở thành người nóng tính, không lo về sắc đẹp nhưng vẫn cần chú trọng ngoại hình.

Về chuyên môn, các bạn nên đi học hỏi thêm ở các diễn đàn về rút kinh nghiệm cho sản phẩm mình tốt hơn, bán chạy hơn. Bán với sự chân tình thì nhất định sẽ có khách. Khi gặp khách hàng khó tính, chúng ta phải kiên trì. Bởi vì, khi đã thuyết phục được một khách hàng khó tính thì những khách hàng khác rất là dễ, càng ngày người ta càng tin chúng ta hơn. Rào cản thì mình phải vượt qua và mình phải có giải pháp cho nó, từ rào cản sẽ tạo cơ hội cho mình.

Xin cảm ơn bà!

Phạm Thương