Người giàu nhất châu Á kiếm thêm 17 tỉ USD năm nay
Trong khi đó, đồng sáng lập Alibaba Jack Ma chỉ có thêm 11,3 tỉ USD. Còn ông chủ Amazon Jeff Bezos mất 13,2 tỉ USD.
Tài sản của người giàu nhất châu Á tăng vọt nhờ cổ phiếu đế chế đa ngành Reliance Industries của ông đi lên. Mức tăng của mã này hơn gấp đôi chỉ số BSE Sensex của Ấn Độ năm nay. Công ty này đang chuyển hướng sang hàng tiêu dùng, bên cạnh mảng lọc hóa dầu cốt lõi.
Nhà đầu tư rót tiền vào Reliance với kỳ vọng các mảng kinh doanh mới, như viễn thông và bán lẻ sẽ sớm mang lại giá trị cho họ.
Với mục tiêu gây dựng một đế chế thương mại điện tử tại Ấn Độ, để thách thức các đại gia như Amazon, Ambani đã chi 50 tỷ USD (chủ yếu nhờ vay nợ) vào Reliance Jio Infocomm - nhà mạng số một Ấn Độ hiện tại. Thương mại điện tử sẽ giúp họ khai thác lượng khách hàng khổng lồ sẵn có từ Jio.
"Mukesh Ambani đã thay đổi Reliance Industries", không chỉ dẫn đầu về mảng dầu khí, mà còn trong mảng viễn thông, bán lẻ và có lẽ sắp tới là cả mảng thương mại điện tử nữa, Chakri Lokapriya - Giám đốc Đầu tư tại TCG Asset Management nhận xét.
Hồi tháng 8, Ambani cho biết các mảng kinh doanh mới có thể đóng góp 50% lợi nhuận cho Reliance trong vài năm tới. Hiện tại, tỷ lệ này là 32%.
Dĩ nhiên, thành tích trở thành mạng di động số 1 Ấn Độ trong 3 năm của Reliance Jio Infocomm là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, kế hoạch giảm nợ của tỷ phú mới là yếu tố giúp cổ phiếu Reliance tăng vọt.
Ambani cam kết đưa nợ ròng của tập đoàn về 0 năm 2021. Kế hoạch của ông gồm bán cổ phần trong mảng hóa dầu của Reliance cho Saudi Arabian Oil, niêm yết mảng viễn thông và bán lẻ trong vòng 5 năm cũng như bán bớt bất động sản.
Cổ phiếu Reliance đã tăng gần gấp 3 kể từ cuối năm 2016, khi Jio mới ra mắt. Với hơn 350 triệu người dùng hiện tại, Jio có lãi ròng 9,96 tỷ rupee (140 triệu USD) quý III vừa qua. 5 năm qua, Reliance đã chi ra 76 tỷ USD. Nợ ròng của hãng cuối tháng 3/2019 là 1.540 tỷ rupee.