|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người chăn nuôi ở Đồng Nai dè dặt tái đàn lợn

21:28 | 18/10/2023
Chia sẻ
Tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai diễn biến phức tạp, giá lợn liên tục sụt giảm, cùng với đó tỉnh đang chủ trương di dời hàng nghìn trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực không phù hợp quy hoạch... và điều này khiến người chăn nuôi dè dặt tái đàn lợn.

Gia đình ông Trịnh Danh Phương tại ấp 10, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai nuôi 60 con lợn sắp xuất chuồng. Theo ông Phương, giá lợn đang ở mức 52.000 đồng/kg, với giá này, đa số người nuôi bị thua lỗ. Thời gian gần đây, khu vực lân cận có nhiều thông tin về dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện. Đối mặt nhiều rủi ro, ông Phương đang tính toán nên hay không tiếp tục tái đàn.

Ông Trịnh Danh Phương cho biết, so với tháng trước, thời điểm này giá cám giảm gần 1.000 đồng/kg. Giá cám giảm, gia đình ông có đại lý bán cám chăn nuôi nên chi phí thức ăn thấp, tuy nhiên giá lợn thấp nên vẫn không có lãi.

Những năm trước, ông thường tái đàn với số lượng lớn để bán dịp Tết Nguyên đán, nhưng năm nay giá bếp bênh, dịch bệnh phức tạp nên chỉ tái đàn khoảng 50 con.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hiện nay dao động từ 48.000 – 52.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Với giá này, người nuôi nhỏ lẻ, không chủ động được con giống bị lỗ. Nguyên nhân giá giảm do dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện, các trang trại lo dịch bùng phát nên đẩy mạnh xuất bán lợn. Tình trạng nhập lậu lợn từ các nước lân cận vào Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, giá lợn tại Trung Quốc ở mức thấp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, giá lợn thấp, dịch bệnh phức tạp. Ngoài ra, đầu năm nay, Đồng Nai ban hành quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo quyết định, chậm nhất trước ngày 31/12/2024, các cơ sở chăn nuôi nêu trên phải di dời đến nơi mới hoặc tự chấm dứt hoạt động.

Mới đây, ngành chức năng Đồng Nai yêu cầu 4 doanh nghiệp lớn trong tỉnh tạm ngưng chăn nuôi tại gần 330 cơ sở chăn nuôi gia công trên địa bàn do các cơ sở chưa hoàn thiện thủ tục về môi trường. Những điều này tác động rất lớn đến việc tái đàn của các cơ sở chăn nuôi, người chăn nuôi nhỏ lẻ dè dặt tái đàn, hàng loạt cơ sở trong danh sách di dời dần thu hẹp quy mô, nguồn cung lợn phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất khó dự báo, nhiều khả năng không thiếu nhưng ít xảy ra tình trạng dư thừa.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, những tháng gần đây, dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai có những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Đồng Nai ghi nhận 9 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn 9 xã thuộc 7 huyện và thành phố, số lợn bị bệnh hơn 300 con. Hiện nay, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt an toàn sinh học, tình trạng lợn nhiễm dịch chết hàng loạt như trước đây không còn xảy ra.

Để khống chế, ngăn chặn dịch lây lan rộng, ngành chức năng Đồng Nai đang tiến hành tiêu độc khử trùng mỗi ngày 1 lần (liên tiếp trong 7 ngày từ khi phát hiện dịch) tại xã, phường có dịch và xã lân cận, với vùng đệm khử trùng mỗi tuần 1 lần.

Đồng thời, kêu gọi người chăn nuôi thực hiện triệt để giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không sử dụng thức ăn dư thừa, không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi; hạn chế tối đa người, phương tiện lạ đến gần cơ sở chăn nuôi.

Công Phong