Ngồi trên núi tiền, một đại gia dầu mỏ OPEC vẫn 'khó sống'
Thờ ơ trong vấn đề khí hậu dù nắng nóng cực điểm
Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ trên toàn thế giới và Kuwait - một trong những quốc gia nóng nhất hành tinh - đang nhanh chóng trở nên “khó sống” theo đúng nghĩa đen.
Năm 2016, nhiệt độ ở đây đạt 54 độ C, mức cao nhất trên Trái đất trong 76 năm qua. Năm ngoái, lần đầu tiên nó đã chạm ngưỡng 50 độ C vào tháng 6, nhiều tuần trước cao điểm nắng nóng thông thường.
Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Kuwait, một số khu vực của đất nước này có thể nóng hơn 4,5 độ C từ năm 2071 đến năm 2100 so với mức trung bình trong lịch sử, khiến người dân không thể sống được ở nhiều khu vực rộng lớn của đất nước.
Khác với Bangladesh hay Brazil - các quốc gia đang phải vật lộn để cân bằng những thách thức về môi trường với dân số đông đúc và tình trạng nghèo đói lan rộng, Kuwait là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 của OPEC.
Là nơi có quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ ba trên thế giới và dân số chỉ hơn 4,5 triệu người, rõ ràng Kuwait không thiếu nguồn lực để đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mà trên thực tế, Bloomberg cho rằng vấn đề của quốc gia Trung Đông này là sự ì ạch của giới chính trị gia.
Các nước láng giềng của Kuwait, dù phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu thô, cũng đã cam kết sẽ tích cực thực hiện các chính sách về khí hậu trong thời gian tới. Năm ngoái, Arab Saudi cho biết họ đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2060, trong khi UAE đặt mục tiêu đến năm 2050.
Mặc dù Arab Saudi và UAE vẫn nằm trong số các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất, cả hai nước đều khẳng định rằng chính phủ đang dốc sức làm việc để đa dạng hóa nền kinh tế cũng như đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Ngược lại, tại hội nghị thượng đỉnh COP26 hồi tháng 11 năm ngoái, Kuwait chỉ cam kết sẽ giảm phát thải khí nhà kính 7,4% vào năm 2035, một mục tiêu thấp hơn nhiều so với mức giảm 45% cần thiết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Quỹ đầu tư quốc trị giá 700 tỷ USD của Kuwait vẫn ưu tiên vấn đề lợi nhuận dù đã phần nào rót vốn vào các lĩnh vực bền vững hơn.
Bà Manal Shehabi, một học giả tại Đại học Oxford, chuyên nghiên cứu các quốc gia vùng Vịnh, cho biết: “So với phần còn lại của Trung Đông, Kuwait tụt hậu trong vấn đề khí hậu... các cam kết của chính phủ Kuwait (vẫn) ở mức thấp đáng kể".
Bất đồng chính trị khiến mọi thứ đi vào ngõ cụt
Fitch Ratings cảnh báo, biến động nhiệt độ trong những năm 2040 và 2050 sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đánh giá tín nhiệm của Kuwait. Tuy nhiên, bất chấp rủi ro ngày càng lớn, bất đồng giữa quốc hội và chính phủ Kuwait lại cản trở các cải cách về khí hậu.
Ông Samia Alduaij, một chuyên gia môi trường làm việc tại Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), cho biết: “Bế tắc chính trị ở Kuwait chỉ khiến người dân khó sống hơn. Đây là một quốc gia rất giàu có, với dân số rất nhỏ, vì vậy họ có thể làm tốt hơn rất nhiều."
Kuwait có kế hoạch sản xuất khoảng 15% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030, đi từ mức 1% hiện nay. Tuy nhiên, công chúng vẫn chưa thấy tiến triển đáng chú ý nào.
Xăng dầu tại Kuwait dồi dào đến mức nó được dùng để sản xuất điện cũng như cung cấp nhiên liệu cho 2 triệu chiếc ô tô trên đường, góp phần gây thêm ô nhiễm không khí. Một số nhà máy điện đã chuyển sang sử dụng khí đốt, một loại nhiên liệu hóa thạch khác tương đối sạch hơn nhưng có thể làm rò rỉ khí mê-tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Tarek Sultan, Phó Giám đốc của công ty chuỗi cung ứng Agility Public Warehousing, chia sẻ: “Trong khi năng lượng hóa thạch được trợ giá rất nhiều từ chính phủ, thì năng lượng mặt trời với các giải pháp tiềm năng lại bị loại ra cuộc đua vì chi phí cao".
Thay đổi đến từ người trẻ
Tuy nhiên, nếu chính phủ đang tỏ ra miễn cưỡng và ì ạch trước vấn đề biến đổi khí hậu thì những người Kuwait trẻ tuổi như anh Al-Awadhi không hề như vậy.
Jassim Al-Awadhi đang ngày càng lo lắng về tương lai của đất nước. Cựu nhân viên ngân hàng 32 tuổi này đã nghỉ việc để thúc đẩy một chiến dịch mà các chuyên gia cho rằng đây có thể là chìa khóa để Kuwait giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu: thay đổi suy nghĩ khi tham gia giao thông.
Mục tiêu của anh là khuyến khích người dân tiếp cận với các loại phương tiện công cộng như xe buýt. Hiện tại, xe buýt chủ yếu do những người lao động nhập cư với mức lương ít ỏi sử dụng vì họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu khó làm quen với cái nóng trên các phương tiện công cộng.
Mọi thứ không hề dễ dàng. Mặc dù Kuwait có lượng khí thải CO2 trên đầu người cao nhất thế giới, ý tưởng rời bỏ ô tô hoàn toàn xa lạ với hầu hết cư dân, đặc biệt là ở một quốc gia nơi xăng còn rẻ hơn coca cola và đường xá vốn được thiết kế cho ô tô.
Hầu hết cư dân Kuwait đều không phải chịu cảnh nắng nóng đổ lửa. Nhà cửa, trung tâm mua sắm và xe hơi đều được trang bị máy lạnh, và những người sống dư dả thường tận hưởng mùa hè ở châu Âu. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào hệ thống làm mát cũng làm tăng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến nhiệt độ ngày càng nóng hơn.
Nhóm vận động Kuwait Commute của Al-Awadhi đang bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như vận động các trạm dừng xe bus cải tạo để bảo vệ hành khách khỏi ánh nắng mặt trời.
Ngân hàng Quốc gia Kuwait gần đây đã tài trợ cho một trạm dừng xe buýt do ba nữ cử nhân thiết kế. Tuy nhiên, giống như phần lớn khu vực tư, Ngân hàng Quốc gia Kuwait vẫn đứng ngoài quá trình ra quyết định.
Anh Al-Awadhi cho hay: “Tôi nghĩ rằng cuối cùng tôi cũng đã đạt được một chút thành công". Anh hy vọng rằng việc người dân Kuwait đi xe buýt nhiều hơn sẽ tạo ra nhu cầu đủ lớn để chính phủ cải thiện các phương tiện công cộng.