Ngoài tín phiếu, phát hành trái phiếu để hút tiền có phải là giải pháp tốt nhằm hỗ trợ tỷ giá?
Phát hành trái phiếu để hỗ trợ nội tệ
Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi ở châu Á đang tìm đến những công cụ phi truyền thống để bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực từ USD.
Một loạt yếu tố bất lợi như kỳ vọng lãi suất chính sách của Mỹ duy trì ở ngưỡng cao hơn, trong thời gian lâu hơn cũng như rủi ro địa chính trị đang đè nặng lên các đồng tiền từ các thị trường mới nổi. Khu vực châu Á còn chịu áp lực đặc biệt lớn khi duy trì mức lãi suất thấp hơn so với nhiều nền kinh tế mới nổi khác cũng như nước Mỹ.
Nhiều ngân hàng trung ương tại châu Á đã tìm những phương thức khác để bảo vệ đồng nội tệ mà không phải bán dự trữ ngoại hối. Một công cụ được nhiều nhà điều hành hàng đầu lựa chọn chính là can thiệp qua thị trường trái phiếu.
Gần đây, Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) cho biết đang tìm cách phát hành thêm trái phiếu để hút tiền mặt, hỗ trợ đồng rupee. Vào tháng 9, ngân hàng trung ương Indonesia (BI) cũng đã bán ra trái phiếu để thu hút dòng vốn từ nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang bán một lượng kỷ lục trái phiếu bằng đồng nội tệ nhằm nâng nhu cầu nhân dân tệ.
Chiến lược gia cao cấp về thị trường mới nổi của Credit Agricole, ông Eddie Cheung, cho biết Indonesia và Ấn Độ đang phát hành thêm nhiều trái phiếu lợi suất cao để thu hút dòng vốn. Động thái này “là một phương thức mới để hỗ trợ đồng nội tệ mà không cần dùng đến dự trữ ngoại hối” và được đánh giá là một quyết định khá thông minh.
Ông Vishnu Varathan, Giám đốc Kinh tế và Chiến lược tại Mizuho Bank tại Singapore, nhận định rằng những biện pháp mà Ấn Độ và Indonesia đang triển khai là một giải pháp sáng tạo, hỗ trợ cho can thiệp bằng dự trữ ngoại hối.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chuyên gia: Không nên hiểu nhầm phát hành tín phiếu là hút tiền khỏi nền kinh tế thực 11/10/2023 - 09:02
Trong Talk show: "Hút tiền qua tín phiếu - Những cách hiểu chưa đúng đang dẫn dắt thị trường" do Báo Sài gòn Đầu tư Tài chính tổ chức, các chuyên gia tài chính đã gợi ý Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoặc Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành tín phiếu kỳ hạn dài hơn 28 ngày hoặc trái phiếu để giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản, tránh tác động tới tâm lý thị trường.
Biện pháp không hoàn hảo
Tuy nhiên, mỗi cách thức can thiệp của nhà điều hành sẽ luôn đi kèm với một loại chi phí khác nhau và không có biện pháp nào là hoàn hảo. Cái giá phải trả để bình ổn tỷ giá có thể là giảm dự trữ ngoại hối, nền kinh tế chậm phát triển hay áp lực chi phí trả lãi cao.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng, có ba nhóm giải pháp cơ bản để chính phủ hỗ trợ đồng nội tệ. Thứ nhất là bán ngoại tệ để hạ tỷ giá xuống. Biện pháp thứ hai là đẩy lãi suất lên, kéo chênh lệch lãi suất giữa VND và USD hẹp lại, giúp tiền đồng mạnh lên và hãm đà tăng tỷ giá. Biện pháp thứ ba là những công cụ khác như điều chỉnh tỷ giá trung tâm, phát hành tín phiếu hay trái phiếu.
Chuyên gia cho biết việc các nước phát hành tín phiếu hay trái phiếu sẽ giúp giảm lượng tiền ngoài lưu thông và qua đó hạ áp lực lên tỷ giá.
Tại Việt Nam, trong khoảng một tháng qua, NHNN đã sử dụng công cụ tín phiếu để hút hơn 250.000 tỷ đồng thanh khoản. Động thái này đã giúp đẩy thu hẹp phần nào khoảng cách giữa lãi suất VND và USD, hạ áp lực tỷ giá.
Theo chuyên gia, công cụ tín phiếu đang được NHNN sử dụng cũng tương tự như việc các nước Indonesia, Ấn Độ hay Trung Quốc phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng nhận định rằng việc phát hành tín phiếu của NHNN “có lẽ không hiệu quả lắm” bởi những lô tín phiếu này sẽ đáo hạn chỉ trong vòng 28 ngày và nhanh chóng trả lại thanh khoản cho thị trường, lại tạo áp lực lên tỷ giá.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ba lô tín phiếu đáo hạn, bơm trả lại gần 30.000 tỷ đồng thanh khoản cho thị trường. Trong cả tháng 10, tổng cộng sẽ có 9 lô tín phiếu đáo hạn, trả lại cho thị trường gần 110.700 tỷ đồng.
“Các nước khác sử dụng trái phiếu chính phủ với thời hạn dài hơn, từ 6 tháng đến 1 năm có thể mang lại hiệu quả hơn”, ông nhận định.
Tuy nhiên, TS. Hiếu nhấn mạnh rằng “tín phiếu hay trái phiếu thì cũng đều phải trả lãi”, và ngân hàng trung ương hay chính phủ sẽ phải chịu chi phí vốn khi sử dụng những biện pháp can thiệp này.
“Trong trường hợp ở Việt Nam, chi phí vốn nhẹ bởi thời gian ngắn hạn. Nhưng tại các nước khác, thời hạn trái phiếu từ 6 tháng đến một năm, thì chi phí sẽ cao hơn”, ông nhận định. Chuyên gia cho rằng đó là nguyên nhân mà Việt Nam đã chọn công cụ tín phiếu ngắn hạn để giảm chi phí cho NHNN và Chính phủ.
Trong năm 2023, lãi suất trung bình của một một lô trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm là 3,57%/năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu với kỳ hạn tương tự tại Việt Nam chỉ là 2,34%/năm. Như vậy, để có thể đưa ra được lãi suất cạnh tranh so với chứng khoán nợ của Mỹ, KBNN sẽ phải tăng lãi suất thêm ít nhất là hơn 1 điểm %.
Đó là chưa kể đến những yếu tố như USD là tiền tệ mạnh hơn so với VND, xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của Mỹ hay thị trường chứng khoán nợ của Mỹ có thanh khoản tốt hơn ... sẽ khiến KBNN phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn nữa để có thể cạnh tranh, thu hút dòng vốn như những gì mà Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia đang làm.
Trong bài viết mới đây, Bloomberg cũng tiết lộ rằng Indonesia và Ấn Độ đã phải phát hành những lô trái phiếu với lợi suất cao hơn để hấp dẫn được nhà đầu tư.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc phát hành trái phiếu để hỗ trợ đồng nội tệ không phải là biện pháp can thiệp mới và về lâu dài Việt Nam cũng có thể xem xét đến biện pháp này. Về vấn đề có nên sử dụng đến trái phiếu để hỗ trợ tỷ giá hay không, chuyên gia cho rằng phải tùy thuộc vào tình hình thị trường tài chính và tiền tệ.
“Nếu Việt Nam có một lượng tiền dư thừa, Chính phủ nên phát hành trái phiếu”, ông nói. Khi đó việc phát hành trái phiếu và hút tiền vào sẽ mang lại lợi ích kép khi vừa giúp hạ lạm phát, vừa giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, nếu tiền không dư thừa, việc hút tiền lại khiến nền kinh tế mất đi một động lực để tăng trưởng.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại khi lạm phát đang ở trong vòng kiểm soát, tăng trưởng có lẽ là mục tiêu được các nhà điều hành tập trung hơn, thể hiện bằng thông điệp phải tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Bài toán khó giải hiện nay tại Việt Nam là "nền kinh tế đang thừa tiền, nhưng doanh nghiệp đói vốn và đang kiệt sức", do đó để có một bước hút tiền mạnh có lẽ là điều khó xảy ra.