|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Biến động tỷ giá khó làm NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ

17:42 | 04/10/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia Phạm Thế Anh, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hạn chế tối đa biến động tỷ giá, tuy nhiên cũng cần cảnh giác hơn với lạm phát.

Biến động tỷ giá đang là mối lo khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng trong các phiên giao dịch gần đây. 

Từ ngày 21/9, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng. Liên tiếp trong 8 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã chào thầu thành công gần 100.700 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Hiện tỷ giá trung tâm ngày 4/10 được NHNN công bố áp dụng ở mức 24.085 đồng, tăng 26 đồng so với hôm qua, tăng hơn 3% so với hồi đầu năm.

NHNN chưa đổi chiều chính sách tiền tệ

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh. (Ảnh: Hạ An).

Bình luận về động thái của NHNN tại Toạ đàm MBS' Talk diễn ra chiều 4/10,PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng áp lực tỷ giá hiện có nhưng động thái hút thanh khoản vừa rồi của ngân hàng trung ương là nghiệp vụ chính sách tiền tệ bình thường trong điều kiện dư thừa thanh khoản.

Theo ông, trong điều kiện dòng vốn ngoại tại Việt Nam tương đối linh hoạt và Việt Nam đang ưu tiên mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, duy trì mặt bằng lãi suất thấp thì áp lực với tỷ giá ngày càng lớn cũng là điều dễ hiểu.

"Chúng ta không thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong điều kiện vốn trung chuyển tự do như hiện nay và lại giữ tỷ giá cố định được", ông Thế Anh nói.

Để góp phần bình ổn tỷ giá, vừa qua NHNN đã có động thái hút ròng thông qua việc phát hành tín phiếu nhưng đó không phải tín hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà điều hành đang cố gắng giữ mặt bằng lãi suất thấp nhưng không để tỷ giá biến động quá nhiều, chuyên gia nhận định.

Vì vậy, theo ông "chúng ta cần làm quen với việc tỷ giá có thể sẽ biến động mạnh hơn thay vì neo cứng nhắc như trước đây, nhất là trong môi trường kinh tế bất định như hiện nay".

Minh chứng rõ hơn về việc NHNN chưa đảo chiều chính sách tiền tệ, ông Thế Anh cho hay có thể nhìn vào lãi suất trên thị trường, nếu như lãi suất liên ngân hàng còn thấp thì có thể thấy định hướng chính sách vẫn đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cần cảnh giác với lạm phát

Theo ông, NHNN vẫn còn nhiều công cụ để bình ổn tỷ giá như việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay so với tương quan nhập khẩu thì còn tương đối tốt thậm chí còn tốt hơn trước đây. Bởi nhập khẩu năm nay giảm cũng mạnh mà theo khuyến cáo của IMF thì mức dự trữ trên 4 tuần nhập khẩu là an toàn.

Mặc dù phải tiêu tốn một khoản khá lớn bán ra để cân bằng tỷ giá vào năm ngoái nhưng sau động thái liên tục mua vào của NHNN hiện dự trữ ngoại hối đang khá ổn định. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng hạn chế hoạt động chuyển tiền lậu hay các hành vi phi pháp liên quan đến ngoại tệ để tránh USD ra nước ngoài. 

Hiện nay, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hạn chế tối đa biến động tỷ giá. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần cảnh giác hơn với lạm phát, trong trường hợp lạm phát có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát thì các cơ quan điều hành NHNN sẽ có biện pháp can thiệp có thể là dùng dự trữ ngoại hối hoặc thậm chí là phải tăng lãi suất.

Lạm phát đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm nhưng đang có xu hướng tăng trở lại. (Nguồn: MBS Research).

Các chuyên gia MBS Research cũng đánh giá rằng động thái hút ròng liên tục của NHNN thời gian qua không phải là dấu hiệu của việc đảo chiều chính sách mà là giải pháp linh hoạt, nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng, hạn chế các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ.

Tuy nhiên lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa nhích lên đáng kể sau những phiên hút ròng vừa qua cho thấy thanh khoản trên thị trường hai vẫn đang dư thừa, vì vậy hoạt động hút ròng có thể tiếp tục trong những phiên tới.

"Nếu áp lực lạm phát tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn còn công cụ hạ nhiệt tỷ giá từ dự trữ ngoại hối. Vì vậy “chính sách nới lỏng, linh hoạt” sẽ vẫn còn dư địa để duy trì trong những tháng cuối năm 2023", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu MBS cho hay.

Diễn biến tỷ giá một số đồng tiền trong khu vực. (Nguồn: MBS Research).

Bà cũng đánh giá, Việt Nam có thể để tiền đồng mất giá đôi chút để duy trì tính cạnh tranh so với các đồng tiền khác trong khu vực. Hiện, đồng tiền của một số quốc gia trong khu vực đã yếu đi đáng kể so với đồng USD như Nhân dân tệ mất giá 6%, baht Thái mất giá 5,3%, Malaysia ringgit mất giá 6,5%.

"Mặt khác cẩn trọng quan sát áp lực tỷ giá đẩy lên lạm phát trong thời gian tới. Can thiệp bằng việc bán ngoại hối có thể là bước chặn cuối cùng nếu lạm phát tăng quá 4,5%", bà Hiền nói.

Hạ An