|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Không nên hiểu nhầm phát hành tín phiếu là hút tiền khỏi nền kinh tế thực

09:02 | 11/10/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN chỉ đóng vai trò điều tiết trong ngắn hạn, chứ không rút tiền khỏi nền kinh tế thực, không ẩn ý về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chia sẻ trong Talk show: "Hút tiền qua tín phiếu - Những cách hiểu chưa đúng đang dẫn dắt thị trường" do Báo Sài gòn Đầu tư Tài chính tổ chức, các chuyên gia tài chính đã phân tích sâu hơn về động thái hút tiền qua phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua.

Các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng phát hành tín phiếu là hoạt động điều tiết bình thường của nhà điều hành, tiền không bị rút khỏi nền kinh tế thực.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS. Lê Đạt Chí (trái) và GS. Trần Ngọc Thơ (giữa). (Ảnh chụp màn hình).

Không hút tiền khỏi nền kinh tế thực

Nhận xét về hoạt động hút tiền của NHNN, GS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết nhìn vào thanh khoản từng ngân hàng thương mại thì đang dư thừa nhưng từ góc độ ngân hàng trung ương (NHTW) thì không hẳn như vậy.

"Chúng ta đang quá tập trung vào vấn đề thừa thanh khoản của ngân hàng, mà quên mất tổng thể nền kinh tế đang khát thanh khoản", ông nói.

Ông cho biết kênh hút tiền chủ yếu của các NHTW trên thế giới là thông qua trái phiếu chính phủ, có thời hạn rất dài, cho nên lượng thanh khoản này sẽ được nhốt tại NHTW, dẫn tới thanh khoản cạn kiệt trong thời gian dài.

Trong khi đó, tín phiếu lại có kỳ hạn rất ngắn, chỉ là 28 ngày, các NHTW trên thế giới còn đưa ra kỳ hạn 4 ngày, 5 ngày hay một tuần. Do đó, động thái này chỉ là “hoạt động điều tiết thường xuyên khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, không khiến thanh khoản cạn kiệt”.

GS. Trần Ngọc Thơ thông tin thêm rằng để tránh hiểu lầm, một số ngân hàng trung ương còn đặt tên công cụ tín phiếu là “tín phiếu ổn định tiền tệ”. Cái tên này thể hiện rằng tín phiếu chỉ đóng vai trò điều tiết trong ngắn hạn, thay vì “hút tiền về”.

Ngoài ra, ông bổ sung thêm quan điểm rằng hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN thực chất đang giúp ích cho thị trường. Số tín phiếu mà các ngân hàng thương mại lấy mua về từ NHNN có thể cầm cố, thế chấp về lấy tiền về, trang trải cho các hoạt động kinh doanh.

“Và như vậy, thị trường đã được cung cấp thêm một công cụ tài chính chất lượng cao vì tín phiếu của NHNN là tài sản không có rủi ro”, ông cho hay.

 

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là lô tín phiếu đầu tiên sẽ đáo hạn, khiến hàng chục nghìn tỷ đồng được bơm trở lại. 

Thị trường đang hiểu nhầm về thông tin hút tiền

TS. Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho rằng việc NHNN tạm ngừng phát hành tín phiếu trong một thời gian dài, từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, rồi lại hút hàng trăm nghìn tỷ đồng đang khiến thị trường có nhiều cách diễn giải khác nhau và NHNN cần phải để tâm việc đó.

Một bộ phận của thị trường có thể hiểu nhầm rằng đây là một ẩn ý về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Trong năm 2023, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%, tuy nhiên đến cuối quý III, nền kinh tế mới đạt mức tăng trưởng 5,53%. Theo ông, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thực đang rất khát vốn từ hệ thống ngân hàng.

Do đó, kết luận rằng việc phát hành tín phiếu của NHNN thời gian qua là rút tiền trong lưu thông, là rút tiền khỏi thanh khoản khi ngân hàng thương mại đang thừa tiền thì “chúng ta đang hơi trầm trọng hóa nghiệp vụ bình thường”.

Theo chuyên gia, một tổ chức dự báo NHNN có thể phải hút một lượng tiền khổng lồ từ thị trường, tuy nhiên trên thực tế trong tuần qua, lãi suất và số lượng ngân hàng thương mại tham gia đấu thầu tín phiếu đã giảm, cho thấy mức độ dư thừa thanh khoản của các nhà băng đã đi xuống. 

GS. TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh chụp màn hình).

Làm thế nào tránh tác động tâm lý khi bơm hút liên tục

Theo các chuyên gia, vấn đề dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng đôi khi mang tính cấu trúc, hệ thống. Nền kinh tế có những thời điểm bắt buộc phải dư thừa thanh khoản và NHTW phải can thiệp. Trong trường hợp của Việt Nam, nguồn kiều hối dồi dào cũng là một yếu tố thúc đẩy thanh khoản.

Theo GS. Thơ, câu hỏi đặt ra làm làm thế nào để tránh cứ phải 28 ngày phải hút tiền rồi bơm, gây tâm lý không tốt cho thị trường. Ông gợi ý một số cách như phát hành tín phiếu với kỳ hạn dài hơn, tính bằng tháng hoặc năm như Ngân hàng trung ương Chile. 

Việc phát hành tín phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp NHTW giúp hạn chế tác động tâm lý khi bơm hút liên tục, nhưng cũng có nhiều điểm hạn chế, chẳng hạn như trùng lặp quyền hạn với hoạt động của Bộ Tài chính, Kho bạc. GS. Thơ cho rằng cần có quy định chặt chẽ cho những loại tín phiếu này, cũng như phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHTW.

Minh Quang