Nghiên cứu như nhà khoa học, anh thợ xây kiếm 70 triệu mỗi tháng với mô hình nuôi dế thịt
Nguyễn Văn Hưng - chủ trang trại nuôi dế thịt ở xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - từng là thợ xây ở các nhà máy thủy điện Quảng Nam. Công việc vất vả, bấp bênh mà mức lương thấp nên anh quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi dế thịt.
Dế là loài côn trùng sinh trưởng và phát triển mạnh, hiếm khi nhiễm dịch bệnh. Chúng có thể sinh sản quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa. Dế có bản tính hung hăng, nhưng lại thích sống theo bầy đàn. Môi trường sống của chúng rất đơn giản, không cầu kỳ, nên có thể nuôi công nghiệp.
Thợ xây Nguyễn Văn Hưng bắt đầu nuôi dế mèn thịt với số vốn 8 triệu đồng. |
"Điều quan trọng nhất là đảm bảo chuồng nuôi dế có điều kiện tương tự như môi trường tự nhiên. Thức ăn của chúng cũng đa dạng và dễ tìm - chủ yếu là rau, cỏ, củ, quả, trái cây, mầm cây, côn trùng nhỏ và bột ngũ cốc. Vì vậy việc chăm sóc chúng cũng dễ dàng”, anh Hưng nói.
Khởi nghiệp với 8 triệu đồng
Ý tưởng nuôi dế thịt nảy ra trong tâm trí Hưng trong một chuyến tham quan các mô hình nông nghiệp ở miền Nam. Anh nhận thấy mô hình nuôi dế thịt có tiềm năng kinh tế lớn, nhưng chưa phát triển mạnh. Để có kinh nghiệm, ngoài việc học cách chăm sóc dế ở các trang trại, anh cùng em trai mở một trang trại nhỏ để nuôi dế.
"Nhờ chuẩn bị kỹ nên tôi thành công ngay khi bắt đầu nuôi dế", Hưng chia sẻ.
Không gian sống của dế mèn trong thùng xốp. |
Năm 2009, Hưng quyết định trở về Quảng Nam để xây dựng trang trại dế với số vốn ban đầu là 8 triệu đồng trên diện tích 70 m2. Dế sống trong các thùng xốp với những tấm lưới sắt để tạo không gian thoáng, mát. Để tạo ra chỗ trú ẩn cho dế, anh tận dụng các hộp giấy đựng trứng và đặt chúng trong các thùng xốp.
Sau một thời gian, anh Hưng đã thu hồi vốn. Tuy nhiên anh vẵn chưa thể tự nhân giống mà phải dựa mua nguồn giống từ các nơi khác. Vì vậy, anh học các phương pháp để nhân giống. Nhưng anh gặp thất bại trong các lần nhân giống đầu tiên. Do đặc tính hung hăng nên mỗi khi phối giống, dế đực đánh nhau rồi chết, hoặc do chưa biết cách nhân giống nên sau khi nhân giống, dế không đạt chất lượng.
Thay đổi phương pháp nhân giống
Quyết tâm vượt qua khó khăn trong khâu nhân giống, Hưng tìm hiểu cách nhân giống ở các nơi khác, nhất là cách phối giống và cách để hạn chế việc dế đực giao chiến với nhau trong mùa giao phối. Đồng thời anh kiên trì thử nghiệm các phương pháp nhân giống để ra lứa giống tốt.
“Ban đầu tôi nhân giống với tỉ lệ 5:5 hoặc 6:4, nhưng nay tôi nhân giống với tỉ lệ 7:3. Với tỉ lệ này tôi không chỉ đảm bảo chất lượng dế tốt mà còn hạn chế hành vi giao chiến của dế đực” ông chủ trại dế người Quảng Nam cho biết.
Sư kiên trì của anh Hưng cuối cùng đã tạo nên kết quả. Anh không còn phải dựa vào nguồn giống ở các nơi khác, mà có thể tự nhân giống để trực tiếp cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Các "chuồng dế mèn" trong nhà của anh Hưng. |
Sau 9 năm hoạt động hiệu quả mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hưng cung cấp cho thị trường từ 15-20 kg dế thịt, thu về khoản lợi nhuận trên 70 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay diện tích trang trại nuôi dế của anh tăng lên 4000 m2. Ngoài ra anh còn kết hợp thêm mô hình nuôi rắn mối trong trang trại.
Dế là loại côn trùng dễ nuôi, nhưng một khi đã mắc bệnh thì rất khó chữa - nhất là các bệnh về tiêu hoá. Vì vậy khi nuôi dế, Hưng phải thường xuyên tạo môi trường sạch và thoát mát cho dế nhằm đạt năng suất cao.
“Kết quả khảo sát thị trường cho thấy, gần đây thực khách ngày càng thích các món về côn trùng, đặc biệt là dế thịt. Tuy nhiên sổ lượng dế ở các trang trại chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng. Đôi tôi phải từ chối bớt các đơn đặt hàng” anh Hưng thổ lộ.
Xem thêm |