|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nghịch lý đang diễn ra trên toàn thế giới: Tăng trưởng kinh tế thấp song hành với thị trường lao động mạnh mẽ

10:30 | 08/08/2022
Chia sẻ
Tại các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, nguy cơ suy thoái đã rất gần kề, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở gần mức thấp nhất trong hàng chục năm.

Lao động tại một nhà máy bia ở Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg). 

"Suy thoái đầy việc làm"

Từ Berlin cho đến Tokyo, tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế tiên tiến đang chậm lại hoặc suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang thể hiện sức mạnh hiếm có trong lịch sử.

“Suy thoái đầy việc làm” đang là chủ đề nóng hiện nay. GDP của Mỹ đã tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, nhưng nền kinh tế lại tạo ra hơn 500.000 việc làm trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%. Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra trên toàn thế giới.

Tại Đức, tăng trưởng kinh tế chững lại trong quý II, và nước này đối mặt với nguy cơ suy thoái nhanh chóng do nguồn cung năng lượng cạn kiệt. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn gần với mức thấp nhất trong vòng 40 năm và gần 50% doanh nghiệp cho biết sự thiếu hụt lao động đang cản trở hoạt động sản xuất.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro nói chung đang ở mức thấp kỷ lục. Nền kinh tế New Zealand sụt giảm trong ba tháng đầu năm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ đạt 3,3% - gần với mức thấp nhất trong hàng chục năm.

 

Hiện tượng trên trái ngược với tình cảnh “kinh tế phục hồi nhưng người lao động vẫn thất nghiệp” hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi đó, tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và một số nước châu Âu khởi sắc nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao mãi không chịu đi xuống.

Nghịch lý hiện nay có thể sẽ không tồn tại dài lâu. Các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất để khống chế lạm phát, do đó theo thời gian nhu cầu lao động có thể giảm sút. Tuần trước, ngân hàng trung ương Anh đã tăng lãi suất chính sách thêm 0,5 điểm % lên 1,75%, đồng thời cảnh báo về một cuộc suy thoái kéo dài sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh từ 3,8% lên 5,5%.

Song, trong những năm tới, có khả năng tăng trưởng mờ nhạt song hành với tỷ lệ thất nghiệp siêu thấp sẽ là điểm chung của không ít nền kinh tế, giống như những gì xảy ra ở Nhật Bản trong nhiều năm qua.

Mặt trái của sự ổn định

Trong suốt ba thập kỷ, Nhật Bản đã chứng kiến tăng trưởng thấp hoặc âm – trung bình là 0,8% - nhưng tỷ lệ thất nghiệp chưa bao giờ vượt quá 5,5%. Kể từ năm 2010, con số này suy giảm đều đặn và hiện ở mức 2,6%.

Các nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân thị trường lao động Nhật Bản nhiều việc làm và ít lao động là do dân số già hóa và lượng lao động nhập cư tương đối ít. Các khuynh hướng này cũng đã trở nên rõ rệt hơn tại những nền kinh tế tiên tiến trong đại dịch.

Trước đại dịch, Nhật Bản đã đề ra giải pháp nhằm tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn cho các lao động nữ có con nhỏ, giữ lại các lao động lớn tuổi hơn và nới lỏng hạn chế cho lao động nhập cư, ví dụ như cho phép sinh viên nước ngoài làm việc 28 giờ mỗi tuần.

Nhưng khi những biện pháp này vừa tạo ra tác động, COVID-19 đổ bộ và Nhật Bản đóng cửa biên giới và gần như không đón thêm lao động mới.

Ông Masaya Konno, chủ một quán rượu ở Tokyo đã phải tạm đóng cửa tháng trước vì thiếu hụt lao động. Dù đã tăng lương lên 1.300 yen/giờ (khoảng 10 USD/giờ), cao hơn 100 – 200 yen so với mức phổ thông một năm trước, ông vẫn không tìm được đủ người làm. Ông Konno nói: “Chúng tôi đã không thể vượt qua tình trạng thiếu hụt lao động”.  

Mối quan hệ giữa thất nghiệp và tăng trưởng thường diễn ra theo cách dễ đoán như trong Quy luật Okun. Tại Mỹ, Quy luật Okun dự đoán rằng mỗi lần sản lượng kinh tế giảm 1% xuống dưới mức tiềm năng sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm %.

Tuy nhiên, giáo sư kinh tế Laurence Ball tại Đại học Johns Hopkins giải thích rằng mối quan hệ trên có thể thay đổi tùy vào những yếu tố như sản lượng mỗi giờ của người lao động và tăng trưởng lực lượng lao động. Nếu nền kinh tế có ít lao động và người tìm kiếm việc làm hơn thì thị trường lao động vẫn có thể mạnh mẽ dẫu tăng trưởng kinh tế yếu.

Kể từ tháng 2/2020, lực lượng lao động Mỹ đã giảm gần 500.000 người. Trong cùng khoảng thời gian đó, lực lượng lao động của Đức và Anh giảm lần lượt 350.000 và 550.000 người.

Lượng lao động nhập cư đến các các nền kinh tế tiên tiến đã chững lại trong bối cảnh chính phủ các nước hạn chế người nhập cảnh để ngăn COVID-19 thâm nhập vào biên giới. Tại New Zealand, số người đến nước này với visa lao động đã giảm từ 240.000 trong giai đoạn tháng 6/2018-6/2019 xuống còn vỏn vẹn 5.000 vào tháng 6/2020-6/2021.

Tại Mỹ, dòng lao động nhập cư đã bắt đầu đi xuống vào năm 2017, khi chính quyền Tổng thống Trump đặt ra hàng loạt chính sách để hạn chế lao động nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, số lao động nhập cư ròng hàng năm đã giảm từ hơn 1 triệu người trong giai đoạn 2015-2016 xuống còn khoảng 250.000 người giai đoạn 2020-2021.

Trong khi đó, người lớn tuổi lại rời khỏi lực lượng lao động, một phần để tránh mắc COVID-19. Một số người trẻ tuổi cũng bỏ việc để chăm sóc con cái hoặc người thân trong gia đình.

Nhờ vắc xin giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nặng và rủi ro tử vong, người lao động đã quay lại thị trường và sự di cư lao động cũng được nối lại. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với sản lượng kinh tế.

Tuy nhiên, các yếu tố khác khó có thể thay đổi trong tương lai gần. Người lớn tuổi tại Mỹ chưa quay trở lại thị trường lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người từ 65 tuổi trở lên đã giảm còn 23% từ mức 26% hồi đầu năm 2020.

Hiện tượng dân số già hóa nhanh chóng dự kiến sẽ khiến Đức và Italy mất hàng triệu lao động trong thập kỷ tới, đồng nghĩa với tình trạng thiếu hụt lao động có thể sẽ diễn ra dai dẳng.

Tuy tỷ lệ thất nghiệp thấp trong dài hạn thường là điều tốt, trải nghiệm của Nhật Bản cũng cho thấy những điểm tiêu cực: nền kinh tế không thể nhanh chóng điều hướng lao động sang những khu vực tăng trưởng, khiến việc loại bỏ những ngành cũ, lỗi thời để các ngành mới phát triển khó diễn ra hơn.

Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura cho biết: “Lạm phát thấp có lẽ khiến Nhật Bản trông ổn định hơn những nước khác. Nhưng mặt trái của một nền kinh tế ổn định là tác động tiêu cực khi cơ cấu công nghiệp chậm chuyển đổi”.

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.