|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghịch lí hàng Việt đưa vào siêu thị vừa 'hẹp cửa' vừa 'kém giá trị' hơn xuất khẩu

11:01 | 23/07/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp tham gia chuỗi phân phối tại siêu thị phàn nàn về nhiều qui định, kiểm tra trước khi đưa lên kệ. Vấn đề thực sự chỉ thuộc về phía siêu thị?

Vượt hàng loạt 'cửa' mới chào được hàng, vào rồi cũng không dễ 'sống'

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ có khoảng 1.500 siêu thị, 180 trung tâm giao thương và 157 trung tâm mua sắm chọn lựa. 

Qui mô của thị trường bán lẻ hiện đại dự báo sẽ đạt khoảng 180 tỉ USD vào năm 2020.

Đó tưởng chừng như "mảnh đất màu mỡ" cho hàng Việt, thế nhưng, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam AVR, có đến 85% nông sản Việt Nam tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường; chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. 

Đây là một trong những mặt hàng tưởng chừng sẽ dễ dàng "phủ sóng" tại các hệ thống siêu thị bởi nhu cầu tiêu dùng cao và đây cũng là một trong những mặt hàng chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, con đường đến với các siêu thị vẫn chưa bao giờ hết gian nan đối với doanh nghiệp cũ lẫn mới.

482b977978929cccc583

Các sản phẩm phải vượt qua nhiều "cửa ải" trước khi được đặt lên các kệ hàng của các hệ thống siêu thị. Ảnh: Như Huỳnh.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, cho rằng: "Có một nghịch lí là trái cây Việt Nam khi ra nước ngoài giá bán rất cao như thanh long khoảng 10 USD/kg (tương đương hơn 200.000 đồng/kg), nhãn xuất theo đường hàng không cũng được 10 USD nhưng ở Việt Nam lại không bán được đúng giá trị". 

Vina T&T là doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường nước ngoài nhất là những thị trường khó tính như Mỹ. Điển hình, doanh nghiệp này vừa xuất khẩu những lô xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ hồi tháng 4 vừa qua. 

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, các mặt hàng lại rất khó tiếp cận kênh siêu thị. 

"Đối với nhiều doanh nghiệp, mặc dù đã phải chịu mức chiết khấu cao nhưng những mặt hàng của doanh nghiệp Việt khi lên đến được các quầy kệ siêu thị lại không được chăm sóc, thường bị bỏ vào những nơi tối tăm, làm chúng ta không muốn mua. 

Còn những sản phẩm nhập khẩu như táo, cherry... của doanh nghiệp nước ngoài được chăm sóc rất kĩ, khi hàng hư bỏ đi, được thay hàng mới", ông Tùng cho hay.

3a5a4251afba4be412ab

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T. Ảnh: Như Huỳnh

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối ở các siêu thị, đặc biệt là siêu thị nước ngoài như phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, tình trạng phải trả hàng loạt phí như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số, chiết khấu...

Đây cũng chính là chia sẻ của ông Hà Tiến Phước, đại diện Công ty TNHH nước giải khát Lai Phú khi trao đổi với người viết. 

Ông cho biết dù rất tự tin với chất lượng của sản phẩm nước trái cây vừa gia nhập thị trường của mình nhưng hiện công ty vẫn rất khó để chen chân vào kênh phân phối hiện đại.

"Tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm nước trái cây của Lai Phú phù hợp với các bạn trẻ và người tiêu dùng nhiều lứa tuổi nhưng khi chào hàng vào siêu thị như Big C, Lotte, Co.op mart... lại gặp rất nhiều khó khăn như sản phẩm mới phải qua rất nhiều vòng, qui trình thủ tục, kiểm tra tiêu chuẩn, do đó, thời gian chào hàng lên đến kệ phải mất hơn 1 tháng rưỡi.

Vấn đề thứ hai là chiếu khấu tại kênh phân phối này khá cao, đó là chưa kể đến một số siêu thị không muốn nhận hàng Việt", ông Phước cho hay.

nuoc-giai-khat

Nhiều sản phẩm chỉ mới cung ứng tại các chợ truyền thống vì gặp khó trên đường vào siêu thị. Ảnh: Như Huỳnh.

Một số doanh nghiệp may mặc trong vụ việc Big C "tạm ngưng" đặt hàng cũng xác nhận chiết khấu các nhà bán lẻ áp dụng cho ngành hàng này mỗi năm một tăng, kèm theo đó là các loại phí, lệ phí cùng nhiều khoản đóng góp khác. 

Đặc biệt, các siêu thị do nước ngoài làm chủ thường áp chiết khấu cao hơn siêu thị trong nước. 

 "Chiết khấu tăng cao theo từng năm từ 0,5 - 1%, doanh nghiệp nào chịu đựng được, nhưng năm nay có thể tăng 2 - 5% trong khi họ mua sản phẩm của mình là mua đứt với giá tốt nhất.

Hàng kí gửi còn được bán theo giá siêu thị nhưng đây là mua đứt, giá không đổi, thậm chí thu mua rẻ hơn cách đây hai năm", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Chính vì vậy, "đã có những nhà cung cấp chịu không nổi mức chiết khấu cao, phải âm thầm rút lui vì nhận thấy sự phát triển không bền vững cùng các đối tác này", ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM nói.

Cần nhìn cả hai mặt của vấn đề

Theo các hệ thống siêu thị hiện đại, để đưa hàng lên kệ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cơ sở sản xuất nông sản cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ như đăng kí kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, báo giá, hàng mẫu....

Căn cứ các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, cho biết thực tế nhiều nhà sản xuất chưa kiểm soát, chưa bảo đảm được chất lượng hàng hóa để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị.

"Đối với mặt hàng trái cây, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hệ thống siêu thị chỉ kiểm tra được một phần, còn đối với tình trạng nhúng thuốc thì đó là công đoạn rất gian khổ để kiểm soát. Nếu siêu thị "tung ra" lực lượng kiểm tra thì tốn rất nhiều chi phí", ông Toàn chia sẻ.

Bên cạnh đó, vẫn còn sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí chưa có mã số, mã vạch và mẫu mã, bao bì còn đơn điệu, không bắt mắt, cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…, đại diện Sài Gòn Co.op cho biết.

Theo ông Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, đây cũng là những tiêu chí của thị trường xuất khẩu với các đòi hỏi chung đối với các sản phẩm của doanh nghiệp là phải đảm bảo chất lượng và kích thước tiêu chuẩn, đồng thời không có dư lượng thuốc trừ sâu.

"Do đó, tất cả vùng nguyên liệu của chúng tôi đã được cấp mã, việc tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP giúp công ty sản xuất các sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ.

Trong khi đó, đối với người nông dân, khi họ bán ở chợ truyền thống thương lái chỉ cần đến lấy hàng, còn với siêu thị đòi hỏi nhiều thứ như nhật kí vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng...nên thường họ sẽ khó đáp ứng được", ông Nguyễn Đình Tùng nói.

adeb3d26d1cd35936cdc

Để vào được siêu thị, sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: Như Huỳnh.

Tìm giải pháp then chốt, cốt lõi  

Do đó, để đưa nông sản vào được siêu thị, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: "Phải tiêu chuẩn hóa, chúng ta phải chú trọng khâu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn khác nhau. Thứ hai là chú trọng đến bao bì, tem nhãn và truy suất nguồn gốc. 

Điều nay thì Bộ đang phối hợp với các địa phương để cấp các mã số vùng trồng và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đây là những điều kiện then chốt để khẳng định chất lượng hàng nông sản Việt Nam", Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, giải pháp cốt lõi vẫn là doanh nghiệp tăng chất lượng, đưa ra các dòng sản phẩm có giá trị phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường.

"Thông qua các hội chợ quốc tế thì tôi nhận thấy 2 xu hướng hiện nay trong chế biến nông sản đang dẫn dắt thị trường là lên men và sấy lạnh. Đồng thời, những sản phẩm nào tốt cho sức khỏe thì được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá rất cao.

Do đó, chúng ta phải nắm thị trường, phải hiểu thị trường và kết nối vào mạng lưới hiện đại nhưng trước hết phải đầu tư cho vấn đề tiêu chuẩn như Globalgap, VietGap...để không chỉ vào được siêu thị mà còn để hàng nông sản Việt xuất khẩu đi các thị trường thế giới", bà Hạnh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ thêm: "Siêu thị cần kí kết hợp đồng bao tiêu cho bà con nông dân để 'gặp nhau' ở những tín hiệu thị trường có lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Đây là sự phối hợp cần đồng bộ để cùng nâng cao nhận thức tất cả khâu trong chuỗi cung ứng, phân phối sản phẩm nông sản", ông Toản nhấn mạnh.

Như Huỳnh

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.