Nghề cá cũng thấm mệt với COVID-19, doanh nghiệp XK cá ngừ tồn kho hàng chục tỉ đồng, ngư dân ra khơi lỗ nặng, đầu nậu trả mặt bằng
Giá cá giảm sâu, càng đi biển càng lỗ
Chuyến biển tháng 3, hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương đều lỗ nặng do biển đói và giá cá ngừ giảm sâu.
Ông Huỳnh Phi Minh, xã Phước Đồng, TP Nha Trang - Khánh Hòa có 2 tàu câu cá ngừ đại dương cho biết, chuyến biển vừa rồi hai tàu của ông lỗ hơn trăm triệu đồng.
"Sản lượng đánh bắt đã giảm rất nhiều lại thêm giá cá bán tại cảng Hòn Rớ chỉ được 90.000 đồng/kg thấp hơn chuyến biển tháng 2 khoảng 20.000 đồng. Tính ra, 2 tàu của tôi đi biển khoảng 20 ngày lỗ hơn 100 triệu đồng", ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lí cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ cho biết, trong chuyến biển tháng 3 có khoảng 100 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng. Mỗi tàu đánh bắt khoảng 5-20 con/chuyến, một số rất ít tàu đạt từ 30-40 con.
"Hầu hết chuyến biển vừa rồi, những tàu câu cá ngừ đại dương đều lỗ dù giá xăng dầu có giảm nhưng giá đá cây muối cá, thực phẩm vẫn cao và không đạt sản lượng. Mặt khác, giá cá ngừ đại dương đang giảm sâu do các DN ngừng thu mua hoặc thu mua rất hạn chế", ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, cảng Hòn Rớ có khoảng 30 DN, nậu vựa thuê mặt bằng để thu mua cá nguyên liệu từ các tàu khai thác cập cảng. Nhưng do hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn nên trong tháng 3 đã có 3 nậu vựa trả mặt bằng một số tạm đóng cửa và 2 DN chuyên thu mua cá ngừ vây vàng mắt to tạm ngừng thu mua, một số khác thì thu mua cầm chừng.
"So với một số tỉnh lân cận giá cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa tại Khánh Hòa vẫn cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu không trúng cá ngư dân vẫn lỗ nặng", ông Hiếu cho hay.
Theo một số nậu vựa chuyên thu mua cá tại cảng Hòn Rớ cho biết, nguyên nhân giá cá ngừ đại dương giảm là do hoạt động xuất khẩu của các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đối với cá ngừ sọc dưa, nhờ các tàu rút ngắn thời gian hoạt động, chỉ còn 10 - 12 ngày/chuyến biển, chất lượng cá được đảm bảo nên chủ yếu được tiêu thụ nội địa, giá cá nhờ đó không giảm mà vẫn duy trì ở mức khá cao.
Riêng cá ngừ đại dương chủ yếu bán cho các DN chế biến xuất khẩu nhưng thị trường này gần như đã "đóng băng" nên giá cá liên tục giảm.
Doanh nghiệp xuất khẩu ứ hàng
Theo các DN chế biển xuất khẩu cá ngừ đại dương trên địa bàn, từ khoảng tháng 1/2020 việc xuất khẩu thủy sản đã gặp một số khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Đối với những nước chưa bị ảnh hưởng dịch bệnh thì gặp lúc thị trường mùa Đông nên việc xuất khẩu có phần hạn chế.
Tuy nhiên đến nay, hầu hết các nước chuyên nhập khẩu cá ngừ đại dương từ Việt Nam đều có dịch bùng phát, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương sang thị trường Mỹ cho biết, do tình hình dịch bệnh DN cũng có những khó khăn chung.
"Ngay từ tháng một việc xuất khẩu đã khó khăn khi thị trường Mỹ đang vào mùa Đông nên sức tiêu thụ chậm. Hiện Mỹ và các nước châu Âu đã bùng phát dịch bệnh nên tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ thêm nhiều khó khăn trong thời gian tới", bà Thanh nhận định.
Bà Thanh cho biết, thời gian qua DN chỉ xuất được 5% trên số lượng thu mua phần còn lại là tồn kho.
"Mỗi tháng chúng tôi thu mua khoảng 25-30 tỉ đồng nguyên liệu nhưng chỉ xuất được khoảng 2-3 tỉ đồng. Khi hàng tồn kho chúng tôi vẫn trả lãi ngân hàng và trả tiền hàng cho ngư dân. Đó là chưa kể tiền điện tăng đột biến do phải trữ lạnh bảo quản", bà Thanh cho biết.
Theo bà Thanh, đối với DN "mạnh" khi hàng bị tồn kho có thể dùng tiền của mình để trả ngay cho ngư dân nhưng phần đông đều phải vay ngân hàng.
"Hiện ngân hàng có giãn thời gian trả nợ gốc và lãi, giảm lãi suất cho vay cho các DN ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và chúng tôi đã cho khoảng 150 nhân viên tạm nghỉ để phòng chống dịch. Trong giai đoạn này, chúng tôi củng cố lại hoạt động kinh doanh và làm mới mình", bà Thanh chia sẻ thêm.
Các DN chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết ảnh hưởng dịch bệnh khiến tình hình xuất khẩu gặp khó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt là lượng hàng tồn kho quá lớn, nếu tình trạng kéo dài, DN ngừng thu mua, giá cá giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến ngư dân.
Nhiều chủ tàu cá cũng cho biết, sản lượng khai thác thời gian qua không cao và giá cá ở mức thấp khiến nên việc vươn khơi bám biển không đạt hiệu quả. Các ngư dân lo ngại nếu tiếp tục vươn khơi sẽ thua lỗ, do đó, một số chủ tàu đang tính chuyện cho tàu nằm bờ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, qua nắm bắt từ các chủ tàu, nậu vựa hợp tác với chủ tàu, hiện đã có một số tàu cá nằm bờ.
"Ban Quản lí cảng Hòn Rớ đang rà soát, nắm bắt cụ thể số lượng tàu nằm bờ, hoạt động của các nậu vựa trong cảng để báo cáo cấp trên có hướng chỉ đạo sản xuất phù hợp trong tình hình hiện nay", ông Hiếu nói.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện nay, toàn tỉnh có 44 DN tham gia chế biến, xuất khẩu thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản của các DN gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có các DN tham gia chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương.
3 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có 173 lô hàng, với 611 tấn hải sản các loại được ngành thủy sản cấp chứng nhận thủy sản khai thác để DN xuất khẩu đi các thị trường; chỉ xuất khẩu được khoảng 114,3 triệu USD, giảm 14,21% so với cùng kì năm trước.