|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành xe điện đối mặt bài toán khó khi giá nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất pin tăng 'phi mã'

09:30 | 07/07/2022
Chia sẻ
Giá của một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất pin LFP hiện tại đã tăng tới 70% so với thời điểm cuối năm 2021.

Giá các kim loại quan trọng được sử dụng trong pin xe điện đã phân hóa, trong đó lithium giữ vững mức giá cao do nhu cầu tăng nhanh và nguồn cung thắt chặt, trong khi niken và coban dần không được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, theo Asia Nikkei.

Tất cả vật liệu này đều được sử dụng làm cực âm. Các thành phần này chiếm khoảng 40% giá thành của một cell pin. Bản thân cell pin cũng đã chiếm phần lớn trong tổng chi phí sản xuất xe điện.

Giá lithium vẫn cao nhất. Theo Argus Media, giá tiêu chuẩn cho lithium cacbonat là khoảng 470.000 nhân dân tệ (70.000 USD)/tấn vào ngày 4/7. Mặc dù con số này đã giảm 6% so với mức đỉnh vào giữa tháng 3, nhưng vẫn tăng 70% so với cuối năm 2021.

Ngành xe điện đang đối mặt với những vấn đề khi giá lithium tăng cao. (Ảnh: Reuters).

Mức tăng giá của niken so với lithium là khá khiêm tốn, rơi vào khoảng 8% trong năm nay. Hợp đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (London Metal Exchange) của niken có giá 22.499 USD/tấn vào ngày 4/7, giảm 53% so với mức đỉnh gần đây nhất vào ngày 7/3, khi giá tăng vọt trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Trong khi đó, giá coban đạt đỉnh vào tháng 5 trước khi giảm vào tháng 6, và hiện đã giảm 5% so với cuối năm ngoái, ở mức khoảng 32 USD/pound.

Giá các nguyên liệu có sự khác nhau một phần đến nhờ sự thay đổi trong công nghệ sản xuất pin. Trụ cột chính hiện nay là pin niken-mangan-coban (NMC), cho phép lái xe trong phạm vi dài, đã được Tesla và các hãng khác sử dụng.

Tuy nhiên, pin lithium iron phosphate (LFP) gần đây đã chiếm được chỗ đứng, với việc sản xuất tăng nhanh ở Trung Quốc, thị trường chiếm một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu. Iron Phosphate rẻ hơn niken và coban, một yếu tố đã thu hút các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hướng tới cell pin LFP khi ô tô điện đại trà sử dụng vật liệu pin NMC tăng vọt.

Pin LFP có giá thấp hơn khoảng 20% ​​so với pin NMC và được coi là an toàn hơn. Theo một chuyên gia về pin, pin LFP hiện được sử dụng trong gần 60% xe điện ở Trung Quốc. Tesla cũng đang chuyển sang các tế bào LFP cho mẫu Model 3 chính của mình.

Ngân hàng nổi tiếng Goldman Sachs dự đoán rằng pin LFP sẽ chiếm gần 40% thị phần pin trên thị trường vào năm 2030, tăng so với mức dưới 30% ở thời điểm hiện tại.

Việc rời xa pin NMC sẽ làm lu mờ triển vọng về nhu cầu sử dụng niken và coban trong ngành công nghiệp ô tô. Mặt khác, "bất kể xu hướng pin thay đổi như thế nào, nhu cầu đối với lithium có vẻ vẫn cao và giá sẽ ổn định, hoặc tăng lên", chuyên gia Junichi Tomono tại công ty kinh doanh kim loại Hanwa cho biết.

Có sự khác biệt về nguồn cung. Nguồn cung lithium dường như vẫn còn khan hiếm. Các mỏ khai thác ở Australia và các nơi khác đóng cửa khi thị trường suy yếu và chậm đáp ứng nhu cầu phục hồi. Việc sản xuất lithium dự kiến sẽ không tăng, ít nhất là cho tới năm sau, hoặc thậm chí là muộn hơm

Lithium tinh chế ở Trung Quốc cũng là một điểm nghẽn khác. Mặc dù Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế, song nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ chưa thể được giải quyết ở thời điểm hiện tại.

Sự trái ngược giữa lithium với niken và coban

Sự phục hồi có vẻ chắc chắn hơn đối với niken và coban. Giá niken đã tăng mạnh trong tháng 3 để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, một nhà cung cấp chính, nhưng Indonesia dự kiến ​​sẽ đẩy mạnh sản xuất quặng niken. Trong khi đó, sản lượng coban dự kiến ​​sẽ tăng ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Giá niken cũng chịu ảnh hưởng bởi việc các nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường kim loại màu khi lãi suất ngày càng tăng nhanh Mỹ, khiến họ không còn muốn đặt cược vào các cơ hội đầu tư có rủi ro cao.

Tìm nguồn cung ứng lithium đã trở thành một ưu tiên chính trong cạnh tranh trên thị trường. Australia, Chile, Trung Quốc và Argentina đã sản xuất hơn 90% lượng lithium trên thế giới.

Trong khi nhiều nhà sản xuất pin Trung Quốc có cổ phần trong các mỏ lithium, chỉ một số ít công ty Nhật Bản làm được điều này, bao gồm Toyota Tsusho và Hanwa. Thay vào đó, các nhà sản xuất pin Nhật Bản lại phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Giá nguyên liệu tăng kết hợp với đồng yên suy yếu đã khiến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu trở nên khó khăn hơn.

Trong một động thái gần nhất, Nhật Bản dường như đang muốn tăng tốc để tạo ra cuộc cạnh tranh trên thị trường pin với Trung Quốc. Cụ thể, một nhóm khoảng 100 công ty Nhật Bản bao gồm cả những tên tuổi hàng đầu đất nước như Toyota Motor và Hitachi sẽ cố gắng tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trong lĩnh vực khai thác lithium.

Hiệp hội pin cho chuỗi cung ứng của Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch yêu cầu chính phủ Nhật Bản trợ cấp 3.600 tỷ yên (26,5 tỷ USD) ngay từ đầu năm tài chính 2022. Theo đó, gói trợ cấp này nhằm mục đích mua cổ phần khai thác kim loại hiếm và phát triển cơ sở hạ tầng tái chế, tăng cường khả năng cung cấp các nguyên liệu này trong bối cảnh nhu cầu xe điện trên toàn cầu ngày càng lớn.

Quốc Anh