|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành vận tải biển toàn cầu 'say sóng' virus corona

18:27 | 09/02/2020
Chia sẻ
Dịch virus corona lan rộng đang đe dọa làm gián đoạn hoạt động vận tải đường biển trên toàn cầu, khiến nhiều chuyến hàng phải định tuyến lại và hạn chế tập trung về các cảng Trung Quốc trong vài tháng tới.

Là mắt xích quan trọng, Trung Quốc "hắt hơi" vì dịch virus corona, ngành vận tải biển cũng "sổ mũi" theo

Sự lây lan của dịch virus corona đã buộc chính phủ Trung Quốc phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, nhà máy không thể hoạt động và ngành hàng không toàn cầu rơi vào cảnh điêu đứng.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 16h (giờ Việt Nam) ngày 9/2, ngoài Trung Quốc đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 37.588 và số ca tử vong là 813, vượt qua số trường hợp tử vong do đại dịch SARS gây ra.

Theo Reuters, mặc dù các cảng biển tại đất nước tỉ dân vẫn mở cửa, quyết định kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 10/2 của chính quyền Bắc Kinh đã làm phức tạp các vấn đề logistics.

Trung Quốc là một mắt xích quan trọng đối với ngành vận tải đường biển khi nước này vận chuyển đủ loại mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, điện thoại di động, quần áo đến linh kiện điện tử.

Ba hãng vận tải đường biển lớn nhất thế giới gồm Maersk, MSC và CMA CGM cho biết họ đều đã giảm số tàu biển có hải trình kết nối với Trung Quốc.

Ngành vận tải biển toàn cầu 'say sóng' virus corona - Ảnh 1.

Ngành vận tải biển toàn cầu liêu xiêu trước "sóng dữ" nCoV. (Ảnh: Reuters)

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, thậm chí tác động trong tương lai có thể còn lớn hơn.

Hyundai Motor cho biết họ đã tạm ngừng hoạt động ở Hàn Quốc - cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng, vì thiếu phụ tùng thay thế từ Trung Quốc.

Ngành hàng hải vốn đã phải chịu áp lực vì nhu cầu thị trường yếu và chi phí tăng cao hơn sau khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) áp dụng các qui định mới về nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Do vậy, tình trạng gián đoạn do dịch virus corona càng khiến ngành vận tải biển thêm căng thẳng.

Reuters dẫn nguồn thạo tin trong lĩnh vực thương mại và vận tải biển cho hay các lịch trình cố định cũng bị ảnh hưởng do lái xe và nhân viên cảng biển ở Trung Quốc bị kẹt ở nhà hoặc không thể đến chỗ làm.

Ngoài ra, các nhà kho xung quanh khu vực cảng biển của Trung Quốc cũng đang không hoạt động hết công suất, buộc nhiều chuyến tàu bị chuyển hướng từ Trung Quốc đến các cảng biển ở Hàn Quốc.

Công suất của cảng Busan (Hàn Quốc), một trong các cảng biến lớn nhất thế giới, đã tăng 78% và có thể tăng mạnh hơn nữa so với công suất thông thường là 70%, một quan chức làm việc tại cảng Busan cho hay.

"Nhiều nhà vận tải biển đang neo đậu hàng hóa ở các cảng của chúng tôi. Sau đó, có lẽ khi mà dịch virus corona tạm lắng và mức độ hàng hóa còn tồn đọng ở các cảng biển tại Trung Quốc giảm xuống, họ có thể triển khai một tàu nhỏ để chuyển những hàng hóa này đến Trung Quốc", quan chức trên nói thêm.

Ngoài ra, nếu số lượng container đến cảng Busan tăng lên hơn 80%, đội ngũ quản lí khó có thể vận hành cảng một cách hiệu quả.

Dù dịch virus corona được kiểm soát, ngành vận tải biển vẫn sẽ chịu thiệt hại

Kì nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc thường dẫn đến sự chững lại trong hoạt động vận tải biển, tuy nhiên dịch virus corona được dự đoán là có thể khiến khối lượng hàng hóa giảm sâu hơn.

Ông Lasse Kristoffersen, CEO tập đoàn vận tải Na Uy Torvald Klaveness, chia sẻ với Reuters rằng 25% đội tàu container của Torvald đã bị ảnh hưởng do nhiều chuyến hàng bị hủy.

"Nguyên nhân chủ yếu là do khối lượng hàng hóa đến và đi từ Trung Quốc giảm xuống. Đây là chuyện thường xảy ra trong kì nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng đối với chúng tôi, khối lượng hàng hóa hiện nay còn thấp hơn nhiều so với mọi năm, nhiều khả năng là do dịch virus corona", ông nhận định.

Chuyên gia tư vấn vận tải biển Jon Monroe (hiện đang làm việc tại Mỹ) cho hay tình trạng hủy chuyến hàng trong tháng 2 năm nay cao hơn so với bình thường.

Ngay khi tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán giảm bớt, công suất vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Trung Quốc sẽ tăng lên, gây ra nhiều vấn đề logistics hơn.

"Mọi người sẽ cố bù đắp lợi nhuận cho khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây mới là tâm bão thực sự", ông Jon Monroe dự đoán.

Còn theo công ty tư vấn Alphaliner, kì nghỉ lễ kéo dài và các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch virus corona tại Trung Quốc có thể khiến khối lượng hàng hóa tại các cảng của nước này, bao gồm cả tại Hong Kong, giảm khoảng 6 triệu TEU (đơn vị tương đương 20 feeet) trong quí I/2020.

Đồng thời, tăng trưởng công suất vận tải biển toàn cầu có thể giảm ít nhất 0,7% trong năm 2020. Năm ngoái, công suất vận tải biển của Trung Quốc đã tăng 4% lên 261,25 triệu TEU.

Khả Nhân