|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành tôm của Ecuador cắt giảm sản xuất và xuất khẩu

07:40 | 25/07/2020
Chia sẻ
Theo cơ quan công nghiệp CNA của Ecuador, ngành tôm nước này đang trong giai đoạn “cắt giảm đáng kể” sản xuất và xuất khẩu do cuộc khủng hoảng thị trường và nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

Bộ trưởng Ngoại thương và Sản xuất của Ecuador, Ivan Ontaneda trả lời phỏng vấn tờ Undercurrent News “ngành tôm của Ecuador chưa từng chứng kiến một cuộc khủng hoảng giá cả nào tồi tệ như thế này trong hơn một thập kỉ qua”.

Sau khi tiến hành cuộc khảo sát các trang trại, CNA nhận thấy hồ nuôi tôm hoàn toàn khô cạn. Tình trạng này đã từng xảy ra khi bệnh đốm trắng ở tôm hoành hành vào cuối những năm 1990.

Theo dữ liệu được công bố bởi CNA, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất của Ecuador đã giảm mạnh, đặc biệt kể từ khi chính quyền Trung Quốc cấm vận ba công ty của nước này để kiểm nghiệm các bao bì đóng gói có dính virus hay không.

Theo dự báo của CNA, sản lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 7 là 4,9 nghìn tấn, trong khi tháng 5 là 52,67 nghìn tấn.

Điều đó có nghĩa là xuất khẩu tôm sang Trung Quốc dự kiến trong tháng 7 chỉ bằng 9% so với tháng 5. 

Ngoài ra, sản lượng tôm xuất khẩu trong tháng 6 cũng giảm 49%, chỉ còn khoảng 26,7 nghìn tấn. 

Hãng truyền thông địa phương Expreso cho hay hàng nghìn ha đang bị bỏ hoang trong khi người nuôi tôm cố gắng giảm chi phí hoặc bán tháo của họ để vượt qua cuộc khủng hoảng này. 

Ở các vùng Barbones, Pagua, Huaquillas, giá tôm thấp hơn chi phí sản xuất và người nuôi không thể tiếp tục hoạt động nuôi trồng. 

Một số người phải bỏ hoang trang trại nuôi tôm, cắt giảm hoặc thậm chí sa thải nhân công. 

Một số khác lại rao bán trang trại của mình, mặc dù giá trị trang trại giảm khoảng 20% - 40% so với năm 2019.

Các công ty xuất khẩu tôm ở Ecuador cũng đang nhắm đến thị trường Mỹ sau lệnh cấm vận ở Trung Quốc. Do đó, giá tôm trong nước cũng giảm. 

CNA cho hay “Đối với thị trường và những thách thức hiện tại, ngành tôm Ecuador ngay lập tức đáp lại nhu cầu mới. 

Thử nghiệm phản ứng chuỗi polymerase PRC trên nhân sự trong các nhà máy đóng gói được mở rộng cũng như tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong vật liệu đóng gói và dự trữ. Chính quyền Trung Quốc đã góp phần cải thiện các quy trình an toàn sinh học trong bối cảnh toàn cầu mới này”.

Tuần trước tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã đưa ra lời kêu gọi cá nhân tới chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu cân nhắc lại lệnh cấm vận ba công ty xuất khẩu của nước này. 

Tổng thống Moreno đưa ra lời kêu gọi trong khi khảo sát công ty chế biến Santa Priscilla, công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Ecuador và là một trong ba công ty bị cấm vận. 

Tổng thống Moreno cho hay “Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng xem xét lại quyết định của mình. Điều này có thể bảo vệ việc làm cho hơn 250 nghìn công nhân”. 

Santa Priscilla là công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Ecuador và cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận đột ngột từ phía Trung Quốc vào ngày 10/7 cùng với hai công ty lớn khác là Empacadora Del Pacifico Sociedad Anonima Edpacif và Empacreci. 

CNA cũng đứng lên phản đối những cáo buộc từ phía chính quyền Trung Quốc, cho rằng virus trên bao bì có nguồn gốc từ bên ngoài khi mà sản phẩm phải trải qua nhiều quy trình vận chuyển. 

Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng những gì tìm thấy được chỉ là phần tế bào chết không có khả năng lây nhiễm từ virus. 

CNA cũng trích lời của Bo Kexing, giám đốc phòng an ninh lương thực của tổng cục hải quan Trung Quốc trong một cuộc họp báo vào ngày 10/7 “kết quả có virus trên bao bì không có nghĩa là virus sẽ dễ dàng lây lan”.

Li Ning, phó giám đốc trung tâm phân tích rủi ro thực phẩm Trung Quốc cho biết thêm “khả năng lây nhiễm dịch qua bao bì thực phẩm là rất nhỏ”.

“Cho tới nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy virus có thể lây lan qua thực phẩm. Trong số 10 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu có hơn 80 nghìn ca được báo cáo ở Trung Quốc và không có ca nào nhiễm bệnh có liên quan đến bao bì thực phẩm”, theo ông Ning. 

H.Mĩ