|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thủy sản đối diện rủi ro dịch bệnh

15:07 | 20/03/2021
Chia sẻ
Diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết.

Theo Bộ NN&PTNT, Phó cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 46.217ha, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019. 

Cụ thể, thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ là gần 43.340 ha, chiếm 93,77% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,94 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,88% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. 

Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là 1.426,3ha (gấp 5,76 lần với cùng kỳ năm 2019), chiếm 25% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước. Thiệt hại trên các loài thủy sản khác khoảng 1.452ha. 

Trong 3 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 15/3) tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, thiệt hại trên tôm nước lợ là gần 1.713,5ha, chiếm 90,3% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm gần 0,4% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. 

Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là 125,6ha, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,1% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước. 

Theo ông Nguyễn Văn Long, diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết.

Các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm...

Trong 3 tháng đầu năm 2021, diện tích cá tra bị dịch bệnh là 125,6 ha, xảy ra tại 18 xã thuộc 8 huyện của tỉnh Đồng Tháp. So với cùng kỳ 2020, dịch bệnh trên cá tra giảm 5,3% về phạm vi và 47,4% về diện tích.

Để giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đề nghị các địa phương và người nuôi trồng thủy sản cần chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng. 

Ngoài ra, việc thả nuôi với mật độ hợp lý, tránh thả nuôi dày sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh đối với thủy sản.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Dịch bệnh trên thủy sản đã giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2021, nhưng nguy cơ trong thời gian tới là rất cao. Do đó, yếu tố quan trọng nhất quyết định cho phòng chống dịch bệnh thủy sản là nuôi trồng an toàn sinh học”. 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để giải quyết tốt công tác thú y phòng bệnh thì không chỉ có độc lập mỗi lĩnh vực thú y mà phải đi cùng với quan sát môi trường, giám sát dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, để nuôi trồng thủy sản an toàn cũng cần đảm bảo các yếu tố khác như giống, thức ăn, quy trình nuôi, chế phẩm sinh học… 

Đặc biệt là chế phẩm sinh học đang được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản khá nhiều nên Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát lại các chế phẩm sinh học, không để người nuôi trồng sử dụng các sản phẩm không hiệu quả mà làm tăng giá thành sản phẩm, các chỉ tiêu không đạt khiến hiệu quả giảm, kéo theo sức cạnh tranh của sản phẩm giảm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống một số bệnh nguy hiểm dịch bệnh thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2025. 

H.Mĩ