Tháo gỡ khó khăn, sớm mở cửa các mặt hàng nông, thủy sản có thế mạnh sang Trung Quốc
Ngày 19/3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về tình hình thương mại biên giới, xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong những tháng đầu năm.
Tại buổi làm việc, UBND, các cơ quan, lực lượng chức năng và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã báo cáo về tình hình cũng như những khó khăn, vướng mắc, công tác quản lý của tỉnh đối với hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Cụ thể tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, đạt 70,3% kế hoạch, giảm 15,2% so với năm 2019.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập cảnh đều giảm so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,16 tỷ USD, đạt 68,2% kế hoạch, giảm 26,9%; nhập khẩu đạt 576,3 triệu USD, đạt 72% kế hoạch, giảm 18,6%.
Các loại hình khác (tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khác) đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2019.
Xuất khẩu nông, thủy sản của ta sang Trung Quốc đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy, nề nếp trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức "đi chợ".
Tức là thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở hàng lên biên giới khi vào vụ, khiến năng lực thông quan nhất thời không đáp ứng, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và gây áp lực cho công tác quản lý.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương về một số giải pháp trong việc phối hợp thông tin, nắm bắt, theo dõi sát tình hình, kịp thời khuyến cáo cho các địa phương, doanh nghiệp cũng như công tác quản lý, điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, trao đổi.
Đề nghị các cơ quan quản lý của Trung Quốc về mở cửa, tạo thuận lợi, thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, thủy sản xuất khẩu của ta sang thị trường này.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh sau khi nghe các nội dung báo cáo tại buổi làm việc đã có ý kiến trao đổi với UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa thông tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt là khi Chính quyền phía bạn có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của ta; kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh...
Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương biên giới phía Bắc để triển khai các giải pháp như trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh.
Ví dụ như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại,... để đáp ứng hơn nữa nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc, góp phần tăng trưởng thương mại song phương.
Bên cạnh đó, trao đổi, vận động phía Trung Quốc sớm xem xét bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, đặc biệt qua các tuyến vận tải đường sắt, là phương thức vận chuyển mà hai nước đang thống nhất thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Đồng thời tăng cường các chuyến tàu hàng chuyên dụng nhập khẩu nông sản của Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mỗi bên...
Tuyên truyền các doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và sử dụng hình thức thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng cho tới khi đạt kết quả cụ thể; tăng cường xúc tiến, kết nối giao thương theo hình thức trực tuyến.