Ngành thép 2021 tiếp tục đón vốn đầu tư công
Năm 2020 vừa qua, ngành thép trong nước đã được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng gia tăng đầu tư công của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều ngành kinh tế điêu đứng, tổng sản lượng tiêu thụ thép năm 2020 vẫn tăng nhẹ 1,4% so với 2019.
Trong đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng và thép cán nguội chỉ giảm lần lượt 1,2% và 5,2%, còn lại thép cán nóng (HRC), tôn mạ và ống thép tăng tương ứng 4,7%, 4,4% và 8,8%.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng gia tăng chi tiêu công của Chính phủ sẽ hỗ trợ ngành xây dựng cũng như vật liệu xây dựng (VLXD), trong đó có thép.
Dịch COVID-19 đem đến các thách thức mới cho ngành VLXD vốn đã đối mặt với tăng trưởng nhu cầu khiêm tốn trong các năm gần đây. Tuy nhiên, đại dịch này cũng đã khiến Chính phủ gia tăng giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hoạt động xây dựng đã tăng tốc từ cuối năm 2020, nhưng VCSC dự báo tác động từ các chính sách kích thích của Chính phủ sẽ được phản ánh hoàn toàn trong năm 2021. Do đó, tăng trưởng chung của ngành VLXD có khả năng sẽ phục hồi đạt mức 10 - 15% trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp 0 - 3% ước tính cho năm 2020.
Kế hoạch chi ngân sách Nhà nước cho cơ sở hạ tầng và phát triển trong năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, tăng 10% so với ngân sách năm 2019 và tăng 6% so với giải ngân thực tế năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2020, giải ngân thực tế đạt 336.000 tỷ đồng, tương ứng 71% kế hoạch năm.
Kế hoạch chi ngân sách Nhà nước cho cơ sở hạ tầng và phát triển trong năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với năm 2020. Ngân sách cộng dồn từ các năm trước và hai tháng cuối cùng của năm 2020 đạt xấp xỉ 841.300 tỷ đồng vốn đầu tư công sẵn sàng giải ngân.
Trong tháng 5/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển đổi hình thức đầu tư của 3/8 giai đoạn thuộc dự án Cao tốc Bắc – Nam thành dự án 100% sử dụng ngân sách Nhà nước thay vì đầu tư PPP (hợp tác công tư). Ngân sách cho ba dự án này ước tính vào khoảng 78.500 tỷ đồng.
Nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng của Việt Nam trong dài hạn, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư PPP vào ngày 18/6/2020. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, dự kiến sẽ giúp phát triển môi trường đầu tư minh bạch cho các nhà đầu tư PPP.
VCSC đánh giá Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) là công ty hưởng lợi chính từ mức tăng trong chi tiêu công của Chính phủ sau dịch COVID-19.
Năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát được sử dụng trong nhiều công trình hạ tầng lớn như: Tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, Vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long), Cao tốc Bắc Nam (đoạn qua Quảng Trị - Huế), Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Cầu Cửa Hội (Nghệ An), Cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Dự án cải tạo Sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, …
Hòa Phát có lợi thế nhờ danh mục sản phẩm đầy đủ từ phôi thép, thép cán nóng (HRC), tới thép xây dựng, ống thép và tôn mạ. Sản lượng của Hòa Phát trong năm 2021 cũng tiếp tục tăng trưởng so với 2020 nhờ vận hành lò cao số 4 tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất.
Tháng 1 vừa qua, Hòa Phát sản xuất 670.000 tấn thép thô, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2020, Hòa Phát gia tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% lên 32,5%; thị phần ống thép từ 31,5% lên 31,7%; tổng sản lượng thép đạt kỷ lục 5,8 triệu tấn.
Trong năm 2021, VCSC dự báo Hòa Phát sẽ tăng trưởng sản lượng bán hàng của tất cả dòng sản phẩm hiện hữu. Cụ thể là thép xây dựng +14%, ống thép +5% và tấm tôn mạ +20% so với năm 2020.
Ngoài ra, Hòa Phát còn đặt mục tiêu bán 2,7 triệu tấn HRC trong năm nay, cao gấp 4 lần mức 686.000 tấn của năm 2020. Những sự gia tăng sản lượng nói trên sẽ là yếu tố chính dẫn dắt doanh thu của Hòa Phát đi lên.
Giá nguyên liệu đầu vào phục hồi mạnh vào cuối năm 2020, bao gồm quặng sắt và thép cuộn cán nóng (HRC), nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu xây dựng gia tăng tại Trung Quốc. Đây là chỉ báo tích cực cho ngành thép khi hỗ trợ đà tăng của giá thép thành phẩm.
Tuy nhiên, VCSC đánh giá áp lực cạnh tranh hiện tại trong ngành, giá nguyên liệu đầu vào cao và ngành bất động sản nhà ở tăng trưởng khiêm tốn sẽ hạn chế dư địa gia tăng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước, bao gồm Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim.
Với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Chứng khoán Bản Việt kỳ vọng cạnh tranh sẽ gia tăng trong năm tài chính 2021, từ đó tạo áp lực lên khả năng ghi nhận tăng trưởng sản lượng cao hơn của Hoa Sen so với toàn ngành.
Do đó, VCSC dự báo sản lượng bán tôn mạ của Hoa Sen sẽ tăng 5% và sản lượng bán ống thép tăng 2% trong năm tài chính 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021).
Sự phục hồi của giá HRC giúp biên lợi nhuận của Hoa Sen tăng lên mức 18,3% trong quý IV năm tài chính 2020. Biến động giá HRC có thể tạo thêm cơ hội gia tăng biên lợi nhuận gộp trong năm tài chính 2021, nhưng VCSC cho rằng khả năng này khó có thể diễn ra khi giá HRC hiện đã đạt mức cao nhất trong 9 năm qua.
Do đó, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen được dự báo giảm từ 16,8% trong năm tài chính 2020 xuống còn 15,7% trong năm tài chính 2021. Thực tế trong quý từ 1/10 đến 31/12/2020, biên lãi gộp của Hoa Sen là gần 16,5%.
Hoa Sen không có kế hoạch mở rộng công suất lớn nào trong ngắn hạn; do vậy VCSC kỳ vọng công ty sẽ sử dụng dòng tiền mặt tự do để thanh toán dần nợ trong vài năm tiếp theo, giúp giảm chi phí lãi vay. Thực tế trong năm tài chính 2020, Hoa Sen đã giảm hơn 1.500 tỷ đồng nợ vay trên bảng cân đối kế toán và 186 tỷ đồng lãi vay trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng đối với các cổ phiếu ngành tôn mạ và ống thép trong năm 2021. Tuy tăng trưởng ngành trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô nhưng khả năng sinh lời của nhóm nhà sản xuất hạ nguồn này nhiều khả năng sẽ chịu sức ép.
Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu vẫn có trong những quý mà kết quả kinh doanh hưởng lợi do tăng sản lượng bán hàng hoặc diễn biến giá nguyên liệu thuận lợi. Tuy nhiên, trong dài hạn, các nhà đầu tư vẫn cần theo dõi diễn biến về cạnh tranh ngành để có quyết định phù hợp.