|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành nghề mới sinh ra từ khủng hoảng chuỗi cung ứng: 'Nhặt tiền rơi' từ những container hàng bị ruồng bỏ

20:18 | 01/12/2021
Chia sẻ
Khi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng chưa hết ách tắc, sẽ có ngày càng nhiều container hàng hóa bị vứt bỏ tại các cảng biển. Tưởng chừng là điềm gở, nhưng hóa ra đây là cánh cửa để mở ra một ngành nghề mới.

Những chiếc container hàng hóa bị ruồng bỏ

Tại bãi chứa Pentalver gần Felixstowe - cảng container lớn nhất ở Anh, cần trục đang trườn tới một chồng container nhiều màu. Cỗ máy nhấc bổng chiếc hộp trên cùng, sau đó thả nó xuống dưới khoảng đất trống.

Một công nhân mặc áo bảo hộ màu cam quỳ xuống, dùng cưa cắt xuyên qua chốt thép của container. Cánh cửa bật mở, và Jake Slinn, người công nhân 22 tuổi, bước tới để nhòm vào bên trong.

Slinn hiện đang làm nghề thanh lý hàng hóa. Công ty hai thành viên của anh, JS Cargo & Freight Disposal, chuyên thu mua các container chứa đầy những sản phẩm mà các hãng tàu muốn vứt bỏ. Dạo gần đây, công việc kinh doanh của Slinn ngày càng phát đạt.

Chia sẻ với Bloomberg, Chủ tịch Niels Larsen của công ty vận tải - logistics DSV cho biết, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn cầu khiến khoảng 3 triệu container phải nằm im chờ đợi trên tàu, không biết khi nào mới được cập cảng.

"Khi một lô hàng không thể đến đích trong khoảng thời gian cho phép, giá trị của chúng sẽ hao hụt dần", ông Tom Enders, chủ của công ty thanh lý The Salvage Group, cho hay. Thông thường, khách hàng sẽ từ chối nhận hàng; hoặc cứ vứt chúng đi là xong.

Trong cả hai trường hợp, "các hãng tàu có thể liên hệ với một công ty thanh lý, qua đó thu hồi càng nhiều giá trị của lô hàng càng tốt", ông Enders nói tiếp.

Ngành nghề mới sinh ra từ khủng hoảng chuỗi cung ứng: 'Nhặt tiền rơi' từ những container hàng bị ruồng bỏ  - Ảnh 1.

Jake Slinn làm việc tại bãi chứa container Pentalver, gần cảng Felixstowe, Anh. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg, có nhiều nguyên nhân khiến các container hàng hóa bị mất giá trị. Thực phẩm có thể bị hỏng; các mặt hàng theo mùa như quạt điện không kịp đến tay người bán trước khi thời tiết chuyển mùa; máy móc xây dựng đến sau thời điểm dự án bắt đầu thi công;…

Ngay cả những hàng hóa còn rất tốt cũng có thể trở nên vô giá trị nếu chủ sở hữu không thể lấy chúng trước khi phí lưu kho vượt quá giá trị lô hàng. Giám đốc một công ty thanh lý khác bày tỏ: "Thử để một container trên bến cảng trong 6 tháng, có khi bạn sẽ ngất khi nhận hóa đơn lưu kho".

Cước vận tải biển đã tăng hơn hai lần kể từ tháng 4 năm nay, đồng thời nguồn cung container đang bị thiếu hụt nghiêm trọng trên toàn cầu. Do đó, các hãng tàu biển đang mong muốn đưa càng nhiều container quay trở lại lưu thông càng tốt.

Tuy nhiên, nếu container còn đầy hàng hóa, các hãng tàu chỉ có thể chờ đợi. "Không công ty nào trong chuỗi cung ứng có thể kiếm ra tiền khi container đầy ụ hàng", ông Enders của của The Salvage Group bày tỏ.

Ngành nghề mới sinh ra từ khủng hoảng chuỗi cung ứng: 'Nhặt tiền rơi' từ những container hàng bị ruồng bỏ  - Ảnh 2.

Bên trong chiếc container mà Jake Slinn vừa mở là một chiếc sedan đã qua sử dụng. (Ảnh: Bloomberg).

Ngành nghề mới sinh ra từ khủng hoảng

Đó là cơ hội cho các công ty thanh lý hàng hóa. Tùy thuộc vào sản phẩm bên trong container, công ty thanh lý sẽ trả tiền để mua lại chúng hoặc tính phí với chủ tàu để xử lý gọn ghẽ đống hàng.

Slinn, người đã thanh lý hơn 200 container trong năm nay, cho hay: "Chúng tôi giúp các hãng tàu giải quyết vấn đề. Họ chỉ muốn nhận lại container rỗng".

Theo nhận định của Bloomberg, rất khó để xác định chính xác quy mô của lĩnh vực thanh lý container hàng hóa vì ngành này khá phân mảnh và hầu hết doanh nghiệp đều là các công ty tư nhân.

Lợi nhuận của các công ty kiểu này phụ thuộc vào việc họ xử lý hàng hóa khéo léo đến đâu. Khi hàng hóa không có giá trị hoặc nguy hiểm, họ sẽ nhận phí tiêu hủy hàng; ngược lại, khi món hàng vẫn còn có ích, họ sẽ kiếm lời bằng cách bán lại chúng.

Chiếc container mà Slinn đang kiểm tra tại bãi Pentalver đính kèm một bản kê khai ghi "hàng gia dụng [xe hơi]". Đôi khi món hàng mà những người thanh lý tìm thấy sau cánh cửa container lại không như kỳ vọng ban đầu. Công việc này khá thách thức, vì không ai biết chắc trong container có gì.

Khi ánh chiều tà của một ngày cuối tháng 11 chiếu qua hai cánh cửa container, Slinn đã biết chính xác món hàng mình sắp xử lý. Bên trong là một chiếc xe sedan hiệu Citroën đã qua sử dụng khoảng 7 hoặc 8 năm, bên ngoài xe bọc một tấm vải màu vàng.

Quần áo và đồ gia dụng chất đầy bên trong xe. Có thể chủ của chiếc xe muốn chuyển nó từ châu Phi đến Anh, nhưng sau đó biến mất. Slinn nghĩ chiếc xe vẫn còn giá trị, dù nó không có giấy tờ hợp pháp hoặc chìa khóa. Anh sẽ bán nó cho một đại lý và kiếm một khoản lợi nhuận nhỏ.

Do 90% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng tàu biển, hầu như bất cứ món hàng nào cũng có thể đến tay một người thanh lý hàng. Bên trong văn phòng, Slinn bày ra một số hàng mẫu trong các thương vụ gần đây: gạo đóng bao, xe máy điện bị lỗi,…

Sáng nay, Slinn nhận được một đống hạt bí ngô từ Trung Quốc nhưng đã bị hỏng. Vài giờ sau, anh mua được 6 tấn pho mát, nhưng đây là loại nào và có thể ăn được hay không thì vẫn cần phải chờ thẩm định.

Người thanh niên 22 tuổi tự tin rằng mình có thể tìm được khách hàng cho sản phẩm gạo đóng bao sau khi được cơ quan chuyên môn phê duyệt; hạt bí ngô và pho mát có thể dùng để tạo khí metan cho các nhà máy năng lượng thông qua quá trình phân hủy kỵ khí.

Theo Bloomberg, Anh hiện đang đi trước Mỹ trong lĩnh vực thanh lý container hàng hóa, vì ngoài đại dịch COVID-19, nước này còn phải gánh chịu thiệt hại của hai sự kiện khác: Brexit và kênh đào Suez bị tắc nghẽn hồi tháng 3 năm nay. Ở vụ Suez, Mỹ ít bị ảnh hưởng vì hầu hết hàng hóa đến Mỹ không đi qua Suez.

Tuy nhiên, Mỹ có thể sắp bắt kịp các đối thủ bên kia bờ Đại Tây Dương. Giám đốc Ben Reynolds của công ty thanh lý hàng hóa Salvex dự đoán sắp có một lượng lớn container bị ruồng bỏ ở Mỹ.

Container đã bắt đầu chất chồng tại các cảng biển, ngày càng nhiều chủ sở hữu không muốn đến nhận hàng. Chưa kể, tình trạng tắc nghẽn tại hai cảng đầu mối Los Angeles và Long Beach đang trở nên nghiêm trọng hơn, khi các nhà bán lẻ hối hả nhập hàng cho kịp Giáng sinh.

Yên Khê