|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành logistics tăng trưởng chậm nhất sau hơn hai năm

07:25 | 08/11/2022
Chia sẻ
Báo cáo về ngành logistics trong tháng 10 của Logictics Manger’s Index chỉ ra rằng đây là khoảng thời gian mà ngành này tăng trưởng chậm nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trữ lượng hàng tồn kho tăng lên tiếp tục khiến chuỗi cung ứng logistics bị tắc nghẽn. Không gian kho bãi vẫn chưa được cải thiện, và các chỉ số vận chuyển tiếp tục trở thành lực cản đối với thị trường nói chung, theo báo cáo hàng tháng về thị trường logistics của Logictics Manger’s Index (LMI).

Cụ thể, theo Supplychain Quarterly, hoạt động kinh tế thương mại trong ngành logistics đã tăng trưởng chậm lại vào tháng 10, qua đó tiếp tục những diễn biến tăng trưởng không quá nổi bật kể từ đầu năm, theo báo cáo hàng tháng về thị trường logistics của Logistics Manager’s Index (LMI), được công bố vào tuần trước.

 Tăng trưởng của ngành logistics thấp kỷ lục trong tháng 10. (Nguồn: LMI).

Chỉ số LMI đạt mức 57,5 trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành trên toàn cầu, mở ra kỷ nguyên tăng trưởng mạnh đối với nhu cầu sử dụng các dịch vụ logistics.

Dù tăng trưởng chậm lại, chỉ số hàng tháng vẫn cho thấy sự mở rộng của ngành, vì chỉ số LMI trên 50 đồng nghĩa với mức tăng trưởng của ngành logistics, trong khi chỉ số LMI dưới 50 sẽ cho thấy sự thu hẹp quy mô trên các thị trường logistics.

Thực tế, chỉ số LMI đã luôn dao động ở ngưỡng 60 – 70 điểm trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19, sau đó giảm xuống mức thấp nhất, dao động trong khoảng trên 50 và dưới 60 điểm trong 4 tháng qua.

Sự thay đổi này tiếp tục được thúc đẩy bởi sự chậm lại của thị trường vận tải và tình trạng dư thừa hàng tồn kho, qua đó làm tăng các chi phí liên quan tới những dịch vụ logistics.

“Nhìn chung, chỉ số LMI đã giảm (-3,9 điểm) so với mức 61,4 điểm của tháng 9,” các nhà nghiên cứu của LMI viết trong báo cáo hàng tháng của họ. “Giống như tháng 9, các chỉ số vận tải tiếp tục là lực cản đối với ngành hậu cần, trong khi hàng tồn kho vẫn cao, nhà kho vẫn đầy và cả hai vẫn giống như những gì diễn ra một tháng trước đó”.

Chỉ số năng lực vận tải tăng 1,3 điểm so với tháng 9 lên 73,1 điểm. Các nhà nghiên cứu đã viết: “Giá cước giao thông vận tải đã giảm trong 7 tháng liên tiếp, trong tháng 10 giảm hơn hai điểm so với tháng 9 xuống mức 42,2 điểm”.

Các chuyên gia nghiên cứu nói thêm rằng: “Đây là con số thấp nhất đối với chỉ số này kể từ tháng 4/2020, cho thấy rằng lần cuối cùng giá cước vận tải giảm nhanh như vậy là khi thế giới về cơ bản đã đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”.

Trữ lượng hàng tồn kho đã tăng trong tháng 10, nhưng với tốc độ chậm hơn so với các tháng trước. Ở mức 65,5 điểm, chỉ số liên quan tới hàng tồn kho thấp hơn 6 điểm so với tháng 9 và đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2021.

Khả năng lưu trữ hàng của các kho bãi cũng tiếp tục giảm, nhưng vẫn ngang bằng với mức của tháng 9, rơi vào khoảng 44,7 điểm. Cả chi phí hàng tồn kho và giá thuê kho bãi đều tăng trong tháng 10, lên lần lượt là 80,9 điểm và 75,5 điểm, những con số thể hiện sự mở rộng đáng kể trong cả hai mảng liên quan tới thị trường logistics này và cho thấy chi phí đang tăng cao hơn đối với cả hàng tồn kho và lưu trữ kho bãi trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tốc độ tăng trưởng hàng tồn kho chậm hơn cho thấy các công ty đang làm rất tốt trong việc vượt qua bong bóng hàng tồn kho đã tồn tại kể từ đầu năm tới nay, theo chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực logistics Zac Rogers của LMI, đồng thời cũng là phó giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Colorado. Mặc dù vậy, ông Rogers nhận định rằng ít nhất phải tới đầu năm 2023, tăng trưởng của thị trường logistics mới có hy vọng được cải thiện.

Phó giáo sư Rogers cho biết trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần trước rằng: “Thực tế là tốc độ tăng trưởng hàng tồn kho đang chậm lại, đó là một tin vui. Chúng ta đang dần tiến đến những nơi tốt hơn những gì chúng ta đã trả qua trong quá khứ. Đó rõ ràng là một sự tiến bộ, và cũng chính xác là những gì tôi đã muốn nói với mọi người”.

Báo cáo của LMI về thị trường logisitics dựa trên một cuộc khảo sát hàng tháng đối với các chuyên gia trong ngành logistics ở Bắc Mỹ.  Báo cá theo dõi sự tăng trưởng của ngành logistics tổng thể, dựa trên 8 chỉ số khác nhau, gồm: Trữ lượng tồn kho và chi phí; khả năng sử dụng và giá cả của kho bãi; khả năng vận chuyển, sử dụng và chi phí tổng thể.

Báo cáo được phát hành hàng tháng bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Arizona, Đại học Bang Colorado, Viện Công nghệ Rochester, Đại học Rutgers và Đại học Nevada, Reno, kết hợp với Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi Cung ứng (CSCMP).

Anh Nguyễn