|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gạo có vui trở lại trong năm 2017?

19:00 | 02/01/2017
Chia sẻ
Tình hình xuất khẩu gạo năm 2016 rất ảm đạm khi liên tục sụt giảm cả lượng và kim ngạch qua các tháng, trong khi đó các mặt hàng cà phê, hồ tiêu vẫn duy trì ở vị thế dẫn đầu và thậm chí, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đã vượt qua con số 2 tỷ USD. Liệu trong 2017, triển vọng ngành gạo có tươi sáng hơn không?

Xuất khẩu giảm kỷ lục trong năm 2016

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt khoảng 4,88 triệu tấn, tương đương 2,2 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm trước

Trong năm nay, Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 36% thị phần; đạt 1,6 triệu tấn, tương đương 722 triệu USD.

Trong khi đó, các thị trường cao cấp như Mỹ, Singapore, Hồng Kông đều giảm kim ngạch nhập khẩu khoảng 19% - 33%. Các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia sụt giảm từ 22% - 65%.

Bộ NN&PTNT nhận định năm 2016 là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam khi cả năm nay rất khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 5,65 triệu tấn dù trước đó, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh giảm mục tiêu từ ở mức 6,5 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Mới đây, Bộ cũng cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua khi xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm xuống mức thấp nhất từ năm 2009 đến nay, và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

nganh gao co vui tro lai trong nam 2017
Xuất khẩu gạo năm 2016 thấp kỷ lục (Nguồn: Internet)

Xuất khẩu gặp khó ở thị trường

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (CBNLTS&NM), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường lớn giảm hạn ngạch nhập khẩu hoặc áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật chặt chẽ. Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo đối thủ của Việt Nam như Thái Lan, Campuchia… đang không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu gạo do bội thu trong vụ thu hoạch này.

Cục cũng cho biết, hiện nay có khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam được bán tại thị trường châu Á. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian qua đang chững lại. Nguyên nhân là, Trung Quốc đã đưa ra những chính sách về kiểm dịch mới, đặc biệt là Nghị định thư về xuất khẩu gạo và cám gạo giữa Việt Nam – Trung Quốc cho thấy đây không còn là thị trường dễ tính nữa.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sụt giảm do cung ở trên thế giới hiện nay đang vượt xa so với cầu. Gạo Việt chịu áp lực cạnh tranh trong bối cảnh một số nước đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

Trong đó, Ấn Độ đã bỏ chế độ tự túc trong nước và giải phóng lượng gạo của mình để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giống như Ấn Độ, Thái Lan hiện nay đang có một kho dự trữ gạo rất lớn và nước này cũng đang cố gắng giải quyết lượng hàng tồn kho.

Ngoài ra, các nước như Myanmar hay Campuchia cũng tham gia mạnh vào thị trường gạo đã tạo ra sức ép và sự cạnh tranh rất lớn đối với xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có nhiều những sản phẩm gạo chất lượng cao và đặc biệt là chưa có thương hiệu.

Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục (CBNLTS&NM) cho hay: “Xuất khẩu giảm cả về số lượng lẫn giá trị là tình trạng chung của các nước xuất khẩu chứ không riêng gì Việt Nam. Nói về chất lượng, cơ bản gạo của Việt Nam có chất lượng tốt, việc lô hàng có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng bị trả về là hy hữu. Cụ thể, Mỹ là nước có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm, song tính từ năm 2004 tới nay, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ từ 250 - 300 nghìn tấn gạo, tổng số lượng hàng bị trả về chỉ khoảng 0,3%”.

Năm 2017 hi vọng tươi sáng cho ngành gạo?

Theo Cục CBNLTS&NM, ngành gạo có dấu hiệu khá tích cực trong tháng cuối năm nay là việc Philippines đã quyết định nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo của Việt Nam. Trong đó, có 250 nghìn tấn được nhập khẩu ngay trong năm nay và 250 nghìn tấn giao cho các doanh nghiệp nước này nhập khẩu. Còn lại 500 nghìn tấn sẽ được ký hợp đồng nhập khẩu vào đầu năm sau.

Những ngày đầu tháng 12, giá gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn đã hồi phục nhẹ. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đã phục hồi khi kim ngạch tăng tới 43% lên hơn 90 triệu USD trong nửa đầu tháng 12. Kim ngạch xuất khẩu gạo từ đầu năm đến giữa tháng 12 theo đó đạt hơn 2,1 tỷ USD.

Cùng với việc Indonesia nhập khẩu gạo Việt trở lại, Việt Nam có thể “tạm” hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay, theo Cục đánh giá.

nganh gao co vui tro lai trong nam 2017
Giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 12/2016 (Nguồn: Cục CBNLTS&NM)

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo hiện nay, Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa, gạo theo hướng đi vào chiều sâu là nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ngắn hạn, cần xây dựng vùng nguyên liệu an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cân đối sản lượng lúa, gạo hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

GS cũng cho biết thêm: “Nhu cầu gạo thế giới luôn tăng vì dân số tăng, nhất là châu Phi và châu Mỹ Latin, sẽ cần gạo tốt không thơm, giá thấp. Đó chính là loại gạo mà đa số dân Philippines cũng rất thích. Sản xuất lúa cấp phổ thông nhưng năng suất cao gấp 2-3 lần lúa chất lượng là hướng chúng ta đi trong tương lai. Diện tích đất đai của chúng ta nhỏ hẹp hơn các nước láng giềng nên sản xuất gạo cấp phổ thông có thể nói là một hướng đi vững chắc”.

Ông Võ Thành Đô chia sẻ: “Theo tôi, giải pháp quan trọng vẫn là phải xây dựng được thương hiệu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu gạo đang phải làm rất cẩn thận, vì đây là lĩnh vực mới, còn nhiều quan điểm bất đồng chưa thống nhất. Thương hiệu không chỉ là đơn giản dừng ở việc xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế logo, hình ảnh mà còn là cả quá trình chuyển biến từ khâu sản xuất tới thương mại, xuất khẩu. Làm sao để khi nhìn thấy thương hiệu, người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng về chất lượng sản phẩm”.

Hồng Vũ