Ngành điều muốn nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Ngành điều xuất khẩu hơn 31 tỉ USD trong 30 năm
Ngày 23/11, tại TP HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức toạ đàm về sản xuất kinh doanh điều năm 2020 nhân dịp tổng kết 30 năm thành lập.
Theo số liệu của Vinacass, tính đến hết tháng 10/2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 xuất khẩu điều nhân vẫn đạt hơn 422.000 tấn, tăng 12% so với cùng kì năm 2019, đạt 94% so với kế hoạch năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 2,6 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kì 2019, đạt 82,3% so với kế hoạch. Nguyên nhân là giá điều thô nhập khẩu trung bình 10 tháng năm 2020 đã giảm tới gần 11% so với cùng kì năm trước, ở mức 1.187 USD.
Dự kiến cả năm 2020, xuất khẩu nhân điều đạt 450.000 tấn, trị giá 3,3 tỉ USD. Theo đó, từ năm 1990 đến hết năm 2020, ngành điều xuất khẩu ước đạt trên 4,6 triệu tấn nhân điều, với tổng giá trị ước đạt hơn 31 tỉ USD.
Hiện các sản phẩm điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới.
Trong đó, có 3 thị trường chính là Mỹ chiếm 30%, Trung Quốc chiếm 11%, EU và các nước khác chiếm 59% thị phần.
Ngành điều vẫn còn còn đầy khó khăn và sóng gió
Mặc dù đang ở ngôi đầu thế giới, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành điều nhìn nhận Việt Nam mới chỉ có tiếng với vị trí số 1 về chế biến, xuất khẩu điều nhân nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có qui mô nhỏ và siêu nhỏ.
Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá 10 USD/kg, trong khi nhân điều thành phẩm bán ở siêu thị các nước có giá khoảng 30 USD/kg.
Như vậy Việt Nam mới chỉ chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu phần lớn điều thô để chế biến, nhiều nhất là từ châu Phi. Trong khi đó, mọi giao dịch xuất, nhập khẩu phải thông qua trung gian nên luôn bị động về giá thành.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas cho rằng hiện nay, ngành chế biến điều nhân xuất khẩu của Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ chính sách mới của các quốc gia sản xuất, chế biến điều.
Nếu như các quốc gia châu Phi bắt đầu phát triển chế biến trong nước thay vì xuất thô thì Ấn Độ một trong những thị trường tiêu thụ điều nhân lớn nhất thế giới vốn là đối trọng với Việt Nam đang áp dụng chính sách thuế để hạn chế lượng điều nhập khẩu, chủ yếu từ Việt Nam.
Với thị trường Trung Quốc, vốn được xem là "dễ tính" nhưng hiện nay đang siết chặt chất lượng nông sản qua đường tiểu ngạch, nếu không nâng cao chất lượng thì điều Việt Nam rất khó có cửa vào thị trường rộng lớn này.
Trong khi đó, các nước châu Âu và Mỹ cũng đang nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tân Long Group cũng cho rằng hiện nay, thị trường điều thô của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy nếu Việt Nam làm chủ được nguồn cung nguyên liệu sẽ giúp cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ông Bá cho rằng: "Nếu doanh nghiệp quyết định bán điều nhân tương lai xa mà chưa có nguồn nguyên liệu trong tay là mua rủi ro cho bản thân, là cách làm rất nguy hiểm, trong khi đa phần doanh nghiệp điều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.
Do vậy, bán và giao hàng trong vòng 60 ngày sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp".
Trong khi đó đó, ông Trần Hiệp, Phó Chủ tịch Vinacas cho rằng, đối với vấn đề "bán xa hay bán gần", phần lớn những doanh nghiệp có sản lượng điều thô lớn sẽ phải bán xa, nếu không đồng ý bán xa thì khách hàng sẽ không mua.
Thông thường doanh nghiệp bán xa ít nhất ba tháng, 6 tháng thậm chí 12 tháng hay 15 tháng. Trong nhưng năm gần đây, đặc biệt là hai năm gần đây thị trường điều nhiều biến động, nhu cầu thị trường yếu, giá không tốt nên ít có khách hàng muốn mua xa.
"Khi giá có xu hướng yếu đi thì người mua không muốn mua xa, nếu năm nay bán xa được thì người bán có lợi hơn vì giá điều thô thường trong xu hướng giảm", ông Hiệp nói.
Chiến lược phát triển ngành điều trong tình hình mới
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cũng nhìn nhận, mặc dù đã có uy tín lớn, thị trường lớn nhưng nhân điều Việt Nam vẫn chỉ là nguyên liệu cho một thị trường rất lớn là những sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao mà ngành điều Việt Nam mới chỉ bắt đầu tiếp cận, còn đầy khó khăn và sóng gió.
Điều này đặt ngành điều Việt Nam trước sự lựa chọn lớn là tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đổi mới thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu nhân điều hay vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho phát triển chế biến sâu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.
Bên cạnh đó, hạt điều Việt Nam dù có chất lượng tốt vào top đầu thế giới nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho chế biến, đời sống nông dân trồng điều còn nhiều khó khăn.
Để góp phần cho ngành điều tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức khó khăn, VINACAS đang xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành Điều Việt Nam trong tình hình mới”.
Trong đó, đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới và giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Cùng với đó là phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả, tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đều có chung nhận định năm 2020 tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng kết quả xuất khẩu rất khả quan.
Và dự báo năm 2021 sẽ tốt hơn nhiều so với 2020, vì nhờ vào thông tin sắp có vắc xin nên tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ ổn định hơn giúp thúc đẩy nhu cầu thị trường nhân điều tăng mạnh. Sản lượng xuất khẩu sẽ tăng và giá bán cũng kì vọng sẽ tốt hơn năm 2020.