|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu điều vẫn tăng mặc dù đại dịch COVID-19 lây lan mạnh trên thế giới

16:25 | 05/05/2020
Chia sẻ
Khối lượng xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 137 nghìn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Giá trị xuất khẩu hạt điều sang Arab Saudi tăng mạnh

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong tháng 4, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 43 nghìn tấn với giá trị 281 triệu USD.

Kết quả này đã đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 137 nghìn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng năm 2019. 

Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 36,8%, 11,9% và 6,9% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. 

Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Arab Saudi gấp 2,4 lần, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc giảm 46,7%. 

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 7.044 USD/tấn, giảm 12,5% so với cùng năm 2019. 

Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 105 nghìn tấn với giá trị đạt 132 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 293 nghìn tấn và 413 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng năm 2019. 

Trong tháng 4/2020, giá điều nguyên liệu trong nước diễn biến tăng so với tháng trước. Cụ thể, điều khô mua xô tại Đắc Lắc giữ ở mức 29.000 đồng/kg trong suốt tháng; tại Đồng Nai giá điều thô ổn định ở mức 46.000 đồng/kg

Tại Bình Phước, giá điều nguyên liệu tăng từ 24.000đồng/kg lên 28.000đồng/kg

Trên thị trường thế giới, trong tháng 4 giá điều nhân tăng 330 – 440 USD/tấn đối với mã W320 và mã W240. 

Tại thị trường Châu Âu giá điều W240 giao động từ 6.944 – 7.275 USD/tấn, giá điều W320 từ 6.062 – 6.618 USD/tấn và giá điều W450 từ 5.511 – 6.062 USD/tấn. 

Tại thị trường Châu Âu, giá điều cho đơn hàng giao vào tháng 5, tháng 6/2020 của mã W180 là 8.700 USD/tấn, mã W210 là 8.200 USD/tấn, mã W240 là 7.800 USD/tấn và mã W320 là 7.300 USD/tấn. Mặt hàng điều vỡ nhỏ mã sản phẩm hầu như không bán được vì hiện tại giá điều nhân quá rẻ. 

Thị trường thế giới chịu tác động lớn từ COVID-19

Hiện tại thị trường điều thế giới chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Cụ thể, tại Ấn Độ, nước tiêu thụ điều lớn nhất thế giới, đang thực hiện chính sách cách li xã hội đến hết ngày 3/5

Điều này đã gây những tổn thất lớn đến ngành điều của nước này, khi các nhà máy chế biến bị dán đoạn, thu hoạch điều thô bị chậm. 

Liên đoàn Công nghiệp điều Ấn Độ cho biết, khoảng 15.000 tấn hạt điều thô đang tồn đọng tại các nhà máy chế biến trên khắp cả nước do lệnh phong tỏa. 

Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ nội địa tại Ấn Độ cũng bị giảm do cách li dài ngày dẫn đến nhu cầu nhập khẩu điều thô giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá điều thô thế giới khi các nước xuất khẩu điều thô chính đang vào chính vụ. 

Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của giá điều thô giảm nhưng Việt Nam đang có lợi thế trong xuất khẩu điều nhân khi Ấn Độ thực hiện chính sách cách li xã hội, người mua điều nhân trên thế giới dự báo sẽ có xu hướng chuyển sang thu mua điều nhân của Việt Nam.

Tại Trung Quốc, đã tăng cường các biện pháp quản để phòng chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu biên giới, bao gồm áp dụng qui trình khử trùng nghiêm ngặt đối với phương tiện vận tải.

Về phía Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu theo "luồng xanh" (chủ yếu là bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm).

Điều này nhằm giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu hàng hoá nông sản sang nước này trong thời gian tới. 

Tại EU, các nhà nhập khẩu đang có nhu cầu cao mua hàng để dự trữ vì lo lắng đại dịch COVID-19 lan rộng ở Châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ. 

Giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều, bên cạnh đó Trung Quốc đang dần phục hồi nền kinh tế khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. 

Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều không nên kí các hợp đồng xa khi chưa mua được điều thô vì sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, giá có thể tăng trở lại. 

Cùng với đó rủi ro sẽ rất cao nếu các nhà chế biến cố gắng mua điều thô từ Châu Phi trong khi không có hợp đồng điều nhân hoặc phương án tính toán để bán lại, khuyến nghị chỉ mua điều thô khi có thể bán điều nhân ngang giá. 

Hạ mục tiêu xuất khẩu điều trong năm nay

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2020, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỉ USD, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá xuất khẩu hạt điều giảm, ngành điều Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu xuống còn 3 tỉ USD. 

Dịch COVID-19 mặc dù đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nhưng lại lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu - thị trường xuất khẩu hạt điều truyền thống của Việt Nam. 

Tại Mỹ và EU, việc hạn chế đi lại của người dân khiến nhu cầu dự trữ thực phẩm thiết yếu tăng. Trong khi, hạt điều lại là thực phẩm phụ, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho các thực phẩm quan trọng khác. 

Giá hạt điều chế biến giảm do giá nguyên liệu thô giảm và quá trình vận chuyển hạt điều chế biến cũng gặp khó khăn.

H.Mĩ