|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, hạt điều Việt Nam hưởng lợi

14:47 | 10/09/2019
Chia sẻ
Việc căng thẳng Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn Độ leo thang đã giúp lượng tiêu thụ điều Việt Nam tại hai thị trường này tăng do lượng nhập khẩu hạt từ Mỹ giảm.

Giá điều nhân dự báo khó tăng mạnh

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết căng thẳng thuế quan giữa Mỹ - Ấn Độ, và Mỹ - Trung đã giúp cho nhân điều Việt Nam được tiêu thụ tốt hơn ở cả thị trường Trung Quốc và Ấn Độ do các loại hạt khác từ Mỹ giảm.

Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh ngưng nhập khẩu nông sản của Mỹ. Điều này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tăng mua nhân điều từ Việt Nam trong những tháng tới để bù đắp cho các loại hạt khác nhập từ Mỹ.

Tuy nhiên, việc đồng nhân dân tệ mất giá cũng khiến giá điều nhập khẩu vào thị trường này cao hơn tương đối so với trước đây.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định trong thời gian tới giá điều nhân sẽ không thể tăng nhiều do nhu cầu mua của thị trường phương Tây tăng nhưng không phải mua dồn dập.

Một số nhà máy đã chốt mua điều thô giá cũ, nay điều nhân lên giá làm cho biên lợi nhuận tăng lên nên họ tranh thủ bán ra số lượng không nhỏ và do đó người mua không cảm thấy thiếu hàng.

Giá nhân và thô trong thời gian tới sẽ ổn định và có xu hướng tăng. Nhưng khả năng giá tăng đột biến là rất khó xảy ra. Các doanh nghiệp chế biến không nên ký hợp đồng bán nhân khi chưa mua được điều thô vì giá nhân có thể sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Giá điều trong nước diễn biến trái chiều với thế giới

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong tháng 8, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất ước đạt 47.000 tấn với giá trị 322 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 287.000 tấn và 2,1 tỉ USD, tăng gần 19% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, chiếm thị phần lần lượt 32,7%, 15% và 9,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 8 ước đạt 211.000 tấn với giá trị đạt 226 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,15 triệu tấn và giá trị đạt 1,51 tỉ USD, tăng 29,6% về khối lượng nhưng giảm hơn 16% về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2019 là Bờ Biển Ngà, chiếm 36,5% thị phần, tăng 31,3% về khối lượng nhưng lại giảm 11,5% về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Trong tháng 8, giá điều nguyên liệu tiếp tục diễn biến giảm. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước 3.000 đồng/kg so với đầu tháng xuống còn 31.000 đồng/kg. Trước đó tuần giữa tháng, giá điều ở khu vực này mức cao 36.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai ổn định ở mức 46.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá điều Ấn Độ tiếp tục tăng trong tháng qua. Cụ thể, điều nhân loại WW240 ở mức 10.556 USD/tấn, tăng 833,4 USD/tấn so với đầu tháng. Điều nhân loại WW320 ở mức 8472.9 USD/tấn, tăng 69,45 USD/tấn. 

Lafooco báo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 79%

Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu bán háng và cung cấp dịch vụ của Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) giảm 40% xuống 158,6 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm tới hơn 79% xuống gần 5,7 tỉ đồng

Tính đến hết tháng 6, Công ty Cổ phần Thực phẩm PAN nắm giữ hơn 80,5% cổ phần tại Lafooco.

Tại buổi đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, của CTCP Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Group, cho biết tập đoàn đang hạ dần tỉ trọng kinh doanh hạt điều hàng hóa, tập trung vào hạt điều thương hiệu với biên lợi nhuận cao hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thị trường chung. Năm 2019, Lafooco đặt mục tiêu lợi nhuận 15 tỉ đồng.

Báo cáo thường niên năm 2018, Lafooco cho biết các quí cuối năm ngoái, do khủng hoảng giá điều xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào cao cộng thêm chi phí tài chính nên kết quả kinh doanh không đạt được như kế hoạch đề ra.


H.Mĩ