|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ tăng hơn 2,4 lần giá điều nhập khẩu, khó khăn cho xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam

19:45 | 20/06/2019
Chia sẻ
Mới đây, Ấn Độ tăng giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng hạt điều nhân, vỡ (Mã HS code: 08013210) từ mức giá CIF 288 rupee/kg hiện nay gấp 2,4 lần lên 680 rupee/kg.

Ấn Độ tăng giá nhập khẩu tối thiểu

Ngày 12/6, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ thông báo về điều chỉnh/sửa đổi điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng hạt điều (gồm cả hạt điều vỡ và hạt điều nguyên).

Cụ thể, nước này tăng giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) đối với mặt hàng hạt điều nhân, vỡ (Mã HS code: 08013210) từ mức giá giao hàng tại cảng dỡ hàng (CIF) 288 rupee/kg hiện nay gấp 2,4 lần lên 680 rupee/kg

Ngoài ra, Ấn Độ tăng 1,8 lần giá MIP đối với mặt hàng hạt điều nhân, nguyên (Mã HS Code: 08013220) từ mức giá CIF 400 rupee/kg lên 720 rupee/kg

Tất cả trường hợp nhập khẩu với mức giá dưới mức MIP nêu trên đều bị cấm.

Theo số liệu của Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Điều Ấn Độ (CEPCI), hiện nay, Ấn Độ đang sản xuất khoảng 350.000 tấn hạt điều nhân mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng điều nguyên liệu đạt 800.000 tấn/năm và phải nhập khẩu khoảng 900.000 tấn/năm điều nguyên liệu từ bên ngoài, chủ yếu là từ châu Phi, để phục vụ cho ngành chế biến điều. 

Ấn Độ đã xuất khẩu 84.352 tấn hạt điều, trị giá 911 triệu USD trong năm 2017 - 2018, tăng 2,5% về số lượng và gần 18% về giá trị so với năm 2016 - 2017 (82.302 tấn). 

Việt Nam ảnh hưởng thế nào từ quyết định này?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1.300 tấn hạt điều sang Ấn Độ, trị giá 7,38 triệu USD. 

Sản phẩm điều Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là hạt điều nhân, nguyên và hạt điều nhân, vỡ.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-20 lúc 15

Khối lượng xuất khẩu điều Việt Nam sang Ấn Độ qua các năm. Nguồn: Bộ Công Thương

Trong khi đó, Việt Nam chỉ nhập một lượng rất nhỏ hạt điều nhân, nguyên, hạt điều nhân, vỡ và tinh dầu điều từ Ấn Độ.

Thời gian qua, nhiều hiệp hội, nhà máy sản xuất và chế biến điều đã liên tục đề nghị chính phủ Ấn Độ có biện pháp hạn chế và kiểm soát hạt điều nhân nhập khẩu; thập chí còn cho rằng hạt điều nhân giá rẻ, chất lượng thấp của Việt Nam đã xâm nhập vào thị trường nội địa, gây biến động về giá.

Đồng thời, các nhà máy chế biến điều Ấn Độ cho biết một số thương nhân nước này đã nhập hạt điều nhân Việt Nam, rồi chế biến sơ qua loa hoặc thay đổi nhãn mác để tái xuất, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu hạt điều Ấn Độ trên thị trường thế giới. 

Với việc tăng giá MIP là dấu hiệu cho thấy, chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp khôi phục và hỗ trợ cho ngành điều trong nước, vốn đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trong những năm gần đây. 

Bộ Công Thương nhận định trước mắt, với mức giá MIP mới, cộng với mức thuế nhập khẩu 45% sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ. 

"Do đó, chúng ta cần ghi nhận một hoạt động bảo hộ của Ấn Độ để có những đối sách trong chính sách thương mại với nước này. 

Đồng thời thông báo tới cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu điều biết về qui định mới này của chính phủ Ấn Độ, chủ động có biện pháp hỗ trợ và nâng cao năng lực của ngành điều Việt Nam trong bối cảnh phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ - một trong những nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới", Bộ Công Thương cho biết.

Ấn Độ đang tích cực mua điều từ Guinea Bissau, Senegal và Gambia

Theo bản tin cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Điều Việt Nam (ngày 11/6), hiện nay các nhà chế biến và nhập khẩu Ấn Độ đặc biệt tích cực trong việc mua các loại hạt chất lượng tốt từ Guinea Bissau, Senegal và Gambia. 

Trong hai tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hàng nhập khẩu của Ấn Độ đã giảm hơn so với năm ngoái và đây do nước này  vẫn cần phải đặt hàng lớn để có đủ nguồn cung, vì tiêu dùng vẫn khá mạnh ở quốc gia đang phát triển nhanh này. Điều này tác động đến việc tăng giá nhẹ cho các loại hạt ở Ấn Độ. 

Đức Quỳnh