|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá điều xuất khẩu chạm đáy hơn 3 năm, ngành điều trông chờ đến cuối năm

18:11 | 16/05/2019
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu dự báo phải sang quí III, giá hạt điều toàn cầu mới có khả năng phục hồi vì nguồn cung giảm. Quí III thường là thời điểm nguồn cung hạt điều ở mức thấp nhất trong năm, trong khi nhu cầu hạt điều tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.

Giá điều xuất khẩu tháng 4 giảm tới hơn 20% so với năm ngoái 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 4 đạt gần 35.7000 tấn, trị giá 271,18 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 3.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều đạt 115.100 tấn, trị giá 910,5 triệu USD, tăng 8,4% về lượng, nhưng giảm 14,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.

Giá điều xuất khẩu chạm đáy hơn 3 năm, ngành điều trông chờ đến cuối năm - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tháng 4, giá điều xuất khẩu bình quân đạt mức 7.601 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, giảm 2,9% so với tháng 3. 

Giá điều xuất khẩu chạm đáy hơn 3 năm, ngành điều trông chờ đến cuối năm - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Nếu so với tháng 4/2018, mức giá này thấp hơn tới 21,2%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, giá điều xuất khẩu bình quân đạt mức 7.910 USD/tấn, giảm mạnh 21% so với cùng kì năm ngoái

Nhu cầu điều có thể tăng vào cuối năm

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 5 là thời điểm thu hoạch rộ hạt điều của nhiều nước như: Ấn Độ, Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Guinea, Nigeria... Giá điều trên thị trường thế giới tháng 5 nhìn chung vẫn ở mức thấp.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo phải sang quý III, giá hạt điều toàn cầu mới có khả năng phục hồi bởi nguồn cung giảm. Quý III thường là thời điểm nguồn cung hạt điều ở mức thấp nhất trong năm, trong khi nhu cầu hạt điều tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.

Tại Ấn Độ, giá hạt điều xuất khẩu tại cảng Delhi Ấn Độ trong những ngày đầu tháng 5 biến động không đồng nhất.

Cụ thể, ngày 9/5 giá xuất khẩu chủng loại hạt điều WW180, WW210 và WW240 tăng lần lượt 2,4%, 1,9% và 3% so với cuối tháng 4, lên 15,1 USD/kg, 13,5 USD/kg và 11,3 USD/kg.

Trong khi đó, giá xuất khẩu hạt điều loại WW320 ổn định ở mức 9,9 USD/kg. Ngược lại, giá điều nhân vỡ 2 mảnh giảm mạnh 8,9%, xuống 8,7 USD/kg.

Theo Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hạt điều Ấn Độ, mục tiêu xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ trong niên vụ 2019 - 2020 ở mức 85.000 – 90.000 tấn, tăng so với 60.000 tấn niên vụ 2017 - 2018.

Tại Bờ Biển Ngà, theo số liệu từ Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà, sản lượng hạt điều năm 2019 của nước này dự kiến sẽ giảm xuống còn 730.000 tấn, thấp hơn khoảng 30.000 tấn so với năm ngoái. 

Nguyên nhân chính là điều kiện thời tiết xấu và sức mua giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.

Kì vọng thị trường khởi sắc bền vững

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 10 ngày đầu tháng 5, Hội Đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA) đã cố gắng kiểm soát giá xuất khẩu hạt điều thô theo mức giá sàn qui định 1,240 USD/tấn.

Cụ thể, CCA đã ra lệnh tạm ngưng làm thủ tục xuất khẩu tất cả các lô hàng trong thời gian 10 ngày (30/4 - 10/5) để kiểm tra về giá Hợp đồng xuất khẩu điều thô.

Vinacas cho hay điều này tạm thời làm chậm tiến độ giao hàng về Việt Nam ít nhất 10 ngày hay lâu hơn, mặt khác, cũng tạm thời chặn đứng sự giảm giá điều thô từ giữa tháng 3 và trong tháng 4 vừa qua.

"Hi vọng thị trường thô - nhân khởi sắc một cách cách bền vững để giảm thiệt hại cho ngành. Bởi vì, không nhiều thì ít, hầu hết nhà máy nhập điều thô đầu vụ với giá khá cao so với giá hiện nay.

Điều này dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp nhập nhiều điều thô tiếp tục bị thua lỗ như 2018, nếu không có sự khéo léo điều chỉnh nhập khẩu để có giá bình quân thấp xuống; cũng như tiếp thị tốt hơn để bán được nhân với giá tốt hơn thay vì ngồi yên trông chờ vào một sự thay đổi thần kỳ mơ hồ", ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhận định.

Vinacas cho biết thêm do nhiều nhà máy nhỏ và lò chẻ đã tạm nguừng hoạt động vì bị lỗ các tháng trước, thiếu vốn, làm giảm chế biến, lượng cung nhân điều sụt giảm trong khi hợp đồng kí trước đó đã đến hạn giao hàng, nhân điều nội địa hút hàng, giá giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực này, ông Công bày tỏ quan ngại hàng vỡ và cấp thấp vẫn giao dịch chậm, giá thấp. Trong khi chưa có đầu ra ổn định, hợp lý cho hàng vỡ và cấp thấp thì việc chất lượng nguyên liệu năm nay sụt giảm so với các năm trước càng làm tăng thêm áp lực cho ngành.

Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu nguyên liệu lo lắng nguyên liệu không đạt chất lượng, tỉ lệ sâu và vỡ tăng cao sẽ làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu.

"Lo lắng nhiều hơn là các nhà nhập khẩu nhỏ, không có điều kiện kiểm tra chất lượng chặt chẽ trong quá trình vận chuyển hàng tại nước xuất khẩu", ông Công cho biết

Để thoát khỏi khó khăn về hàng cấp thấp nói chung, đại diện Vinacas khuyến nghị ngành điều Việt Nam cần tăng cường khảo sát, nghiên cứu đưa vào chế biến thực phẩm đa dạng hơn, dùng nguyên liệu là hàng cấp thấp cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; giảm bớt xuất khẩu nhân sống cấp thấp ra thị trường nước ngoài.

Đức Quỳnh